Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Phân hữu cơ với cây trồng

Phân hữu cơ với cây trồng

Phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng quý giá và rẻ tiền, tốt cho cây trồng nông nghiệp cũng như hoa kiểng. Nhưng có lẽ do tập quán canh tác và cách dùng phân hữu cơ cũng có nhiều điểm bất tiện nên có nơi chưa được người nông dân quan tâm dù là nguồn phân hữu cơ rất nhiều và tương đối rẻ.

u-phan-chuong nenVùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước được thiên nhiên ưu đãi nước ngọt gần như quanh năm, đất đai màu mỡ nhờ phù sa của sông Tiền sông Hậu bồi đắp. Nhớ lại khoảng hơn 40 năm về trước, quê tôi vùng cù lao An Hóa nông dân chỉ làm một vụ lúa mùa mỗi năm, thời gian còn lại trồng rau màu hoặc cho đất nghỉ. Phù sa sông Tiền nuôi cây lúa xanh tốt quanh năm không cần phân tro gì cả. Vườn cây ăn trái cam, quýt, dừa… hàng năm chỉ cần hốt lớp phù sa bồi lắng dưới mương vườn thoa lên liếp trồng cây một lớp mỏng là cây trái trũi cành.

Phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, thân cây bắp đậu số ít dùng trong chăn nuôi trâu bò số còn lại đốt bỏ. Các chất thải trong chăn nuôi gia súc gia cầm gần như cũng ít được quan tâm sử dụng cho việc ủ phân hữu cơ sử dụng trong trồng trọt. Đất đai màu mỡ, cây tốt mịt mờ thì đâu cần dùng đến phân bón. Chỉ có những người trồng rau màu thì có dùng ” phân diêm” ngày nay gọi là ure hay phân đạm, lúc cây còn nhỏ và sử dụng phân cá khô ( phụ phẩm của ghe đánh cá) để bón ruộng dưa khi có trái. Dưa hấu được bón bằng phân cá khô xẻ ra ruột đỏ hồng, khô ráo và nhiều ” cát” chưng Tết ra giêng vẫn không hư.

Ngược thêm ít chục năm về trước nữa nghe các bậc ” lão nông tri điền” kể lại chuyện phân bón như đùa. Các hãng nhập cảng  phân bón không làm sao bán được phân cho nông dân miền Tây,  vì họ sợ xài phân hóa học làm ” chai” đất. Các hãng phân bèn nghĩ ra cách đem phân đổ xá ngoài đình làng ai muốn dùng thử cứ ghánh vô tư. Cũng không ai quan tâm. Đến khi vô tình thấy phân chảy cả ra ngoài sân đình làm mấy bụi cỏ lên xanh um. Ông già thằng bạn bèn ghánh thử một ghánh ra rải cho đám ruộng gò xơ xác. Ít lâu sau lúa lên xanh mịt. Thấy ngon ăn , ông âm thầm ghánh hết số phân còn lại đổ ra vùi lên đám ruộng. Hỡi ơi! chỉ ngày sau lúa hãm phân héo queo chết sạch trơn!

Người xưa thiếu kinh nghiệm không “Coi kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng!” mà phân có bao bì đâu để coi nên lúa chết cũng là bình thường. Còn ta xài phân bón nhiều nhưng vẫn làm chết cây hoài vì bón phân… quá liều!. Nông dân mỗi năm làm ba vụ lúa, cây trồng thì tăng năng suất cho trái nghịch vụ, đất không có thời gian nghỉ. Phù sa bị mấy cái đập thủy điện thượng nguồn chặn dòng về cũng ít. Muốn cho cây tốt phải xài phân hữu cơ lẫn vô cơ dưới bón trên xịt tới đâu thì tới.

Lúc mới vô nghề cây kiểng đi theo mấy bậc lão thành học hỏi cách trồng. Thấy mấy vị bằm đất phù sa lấy ở bờ ruộng trộn với rơm mục thêm rễ dừa mục lót đáy chậu cho dễ thoát nước để trồng kiểng. Thứ hỗn hợp này trồng cây bền nhưng lâu phát lại nặng nề kiếm nhiều cũng khó.  Sau thấy mấy anh xứ Cái Mơn dùng trấu tươi, mụn dừa tươi trồng Mai vàng ngon lành khiêng vác nhẹ nhàng lại học hỏi làm theo. Chỉ một thời gian, thấy trồng cách này phải dùng phân thuốc liên tục theo không xiết.

Mụn dừa lúc đó  mới có không ai biết xài. Mấy cơ sở đánh chỉ lén đem đổ bỏ trôi lình bình ô nhiễm cả khúc sông Thơm. Nay xuất khẩu được ra nước ngoài trồng cây giá cả ngày càng mắc. Những năm nước mặn xâm nhập sâu, mấy cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa dùng nước mặn dưới sông phun lên vỏ dừa trước khi dánh chỉ làm đám mụn dừa nhiễm mặn. Báo hại mấy ông làm nghề hoa kiểng, cây giống nhìn đám cây chết mà không biết tại sao!.

Nhiều người chơi cây dùng cách “trung dung” là trộn thêm đất và phân hữu cơ vào chất trồng mụn dừa trấu tươi. Phân hữụ cơ dễ tìm nhất là phân bò và phân gà, phân cút do mấy con nàỵ người ta nuôi nhiều. Phân gà phân cút sử dụng dễ bị… hàng xóm phản ứng vì nặng mùi và nhiều ruồi. Phân bò thì nhiều vô số, lái vô bao để sẵn, muốn mua bao nhiêu alo là có người chở đến tận nhà.

Phân bò ngày xưa người ta hốt đổ vô hầm cả năm mới xúc bán một lần, phân đã hoai mục nên có thể sử dụng ngay. Giờ thương lái mua nhiều phân ….không kịp hoai. Xuống xứ Ba Tri gần như nhà nào cũng có nuôi vài con bò. Phân bò vô bao đỏ may miệng cứ đi một đoạn ngắn là thấy một đống chất ngay ngắn bên đường chờ đưa lên xe tải lớn chở ra miền Đông bán cho nhà vườn bón cho cây công nghiệp tiêu điều…

Mỗi sáng người ta hốt phân bò tươi trong chuồng trộn với tro đống un đuổi muỗi hồi đầu hôm cho ráo rồi đổ ra sân phơi khô, tới chiều xúc vô bao may miệng vài hôm đủ số là xuất bán.Tiền bán phân cũng là khoản đáng kể cải thiện kinh tế gia đình. Phân này dùng bón trực tiếp một ít cho cây trồng dưới đất thì không sao, chứ không xử lý ủ cho hoai mà trộn trực tiếp vào mụn dừa vô chậuu tưới nước một hổi là nó trở thành phân tươi quến với mụn dừa như cục sình, trồng cây gì cũng chết!. Lại thêm bò ăn cỏ có cả hạt nên chỉ vài ngày là cỏ lên xanh um làm không xuể.

Mấy loại phân hữu cơ vi sinh vô bao bán ở mấy đại lý phân bón làm từ phân gà muốn xài cho cây kiểng cũng nên thận trọng đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nhất là hàm lượng đạm có trong phân. Một số nơi làm ăn chụp giật xử lý phân chưa thật hoai rờ vô bao phân còn nóng hổi bón vô là tiêu. Hoặc người ta trộn thêm phân vô cơ vào để tăng hàm lượng đạm cho cây nhanh tốt dễ bán, giống như thuốc tán trộn “đề xa” của mấy ông lang băm! bỏ quá liều là cây héo queo liền.

Vậy nên ai chê lạc hậu thì chịu, tui vô phân cho cây chỉ theo cách cũ cho chắc ăn. Nếu muốn thử nghiệm phân bón hữu cơ cũng như vô cơ hoặc chất trồng mới phải cẩn thận từ từ rút kinh nghiệm. Chứ cứ nhè lấy mấy cây kiểng cưng mà mang ra làm chuột bạch thí nghiệm thì e là rút được kinh nghiệm sâu sắc thì… không còn cây nào để mà thi triển “chân tài thực học!”

Tác giả Tấn Quốc – Tạp chí hoa cảnh tháng 9/2015

 

Xem thêm

Cách tự ủ phân cá, trùn, bánh dầu phộng, đậu nành

Phân hữu cơ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trồng cây tuy nhiên làm sao tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn dinh dưỡng đó lại là vấn đề khác. Dưới đây xin chia sẻ kinh nghiệm cách tự ủ phân cá, trùn, bánh dầu phộng và đậu nành .

Cách chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch (phần 2)

Đây là phần tiếp theo trong loạt bài chia sẻ về kinh nghiệm cách trồng sầu riêng. Bài thứ 2 sẽ là chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch. Nếu bạn chưa xem phần 1 về cách trồng sầu riêng thì vui lòng xem lại link sau :