Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng

Biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng

Bệnh phấn trắng trên hoa hồng có các triệu chứng vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, bệnh hại ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, cây còi cọc, xơ xác, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển của cây.

phan trang nen
Hình minh họa
1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh phấn trắng
 – Nấm bệnh thường tấn công trên lá, cành non và cả trên nụ hoa, nhưng chủ yếu vẫn là trên lá. Khi lá còn non bệnh làm cho lá mất độ bóng láng bình thường. Trên bề mặt lá, cành non phủ một lớp phấn màu trắng. Bệnh phấn trắng làm giảm hiệu suất quang hợp, giảm sức sống của cây, làm cho lá bị rụng sớm, nụ hoa biến hình, không thể nở được, thậm chí gây chết khô, ảnh hưởng đến phẩm chất và giảm sản lượng.
– Nguyên nhân gây bệnh do nấm Sphaerotheca pannosa gây ra. Nấm bệnh phát triển thích hợp trong điều kiện ẩm độ 85%, nhiệt độ 18 độ C, ở nhiệt độ 27 độ C nấm sẽ chết trong 24 giờ. Sợi nấm tồn tại ngay trên lá, những cành bị bệnh, đây là nguồn bệnh chủ yếu để lây lan sang các cây khác, ruộng khác và vụ sau. Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (ẩm độ không khí trên 80%, nhiệt độ không khí khoảng 20 – 28 độ C), các sợi nấm tiềm sinh trở lại trạng thái hoạt động hình thành các bào tử, những bào tử này phát tán đi và rơi trên bề mặt lá rồi mọc mầm xâm nhiễm vào bên trong mô lá gây hại, nơi đây lại trở thành nguồn bệnh dự trữ trên đồng ruộng.
2. Biện pháp phòng trừ
– Biện pháp phòng trừ là chọn giống kháng bệnh, vệ sinh đồng ruộng. Lên luống cao ráo, thoát nước tốt, để không bị đọng nước mỗi khi có mưa hoặc tưới nhiều tạo ẩm thấp trong vườn, làm thông thoáng mặt luống. Nếu trồng trong nhà lưới, nhà kính cần chú ý làm sạch mái che để đảm bảo ánh sáng, tăng cường thông gió, giảm bớt nhiệt độ và độ ẩm. Trồng đúng mật độ, không trồng quá dày để giảm độ ẩm mặt luống, cây và lá nhận được nhiều ánh sáng. Thường xuyên kiểm tra và cắt tỉa những cành già nằm khuất trong tán lá không có khả năng cho bông để tạo thông thoáng cho vườn.
– Bón phân cân đối, hạn chế bón phân đạm. Tăng cường bón thêm phân Kali giúp cho cây có sức chống chịu với bệnh được tốt hơn. Cắt bỏ những cành, lá bị bệnh nặng đem ra khỏi vườn rồi tiêu hủy, để hạn chế bệnh lây lan.
– Khi bệnh phát sinh và gây hại, có thể luân phiên sử dụng một trong những lọai thuốc BVTV sau:  Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC); Carbendazim (Carbenzim 500FL); Chlorothalonil(Daconil 75WP); Difenoconazole + Propiconazole (Map super 300EC); Hexaconazole (Anvil 5SC);Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG).
Nguồn : Báo Lâm Đồng

Xem thêm

Quy trình kỹ thuật trồng hoa Hồng xanh không quá khó. Ảnh minh họa

Bệnh hại cây hoa hồng và các biện pháp phòng trừ

Bệnh hại cây hoa hồng và các biện pháp phòng trừ 1.Bệnh đốm đen Đây …

Để cây hoa hồng ra nhiều hoa

Hoa hồng là cây ưa sáng, ánh sáng không đủ cây sẽ khó ra hoa. …