Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Chia sẻ của chuyên gia về việc sử dụng cây thuốc

Chia sẻ của chuyên gia về việc sử dụng cây thuốc

IMG_1712 nenNhững công trình nghiên cứu hiện đại đã cho chúng ta biết tác dụng của các cây thuốc do một số thành phần không nhiều được tạo nên trong cây. Ta gọi chúng là những hoạt chất. Những chất không phải là hoạt chất được xem như là những chất trơ, mà có người xem chúng là vô ích. Tuy nhiên khi ta tách một hoạt chất ra khỏi cây, ví dụ như là tanin (tananh) chẳng hạn, người ta nghĩ rằng với tanin tinh khiết, có thể thay thế cho những vị thuốc có tanin. Nhưng trong khi tiến hành điều trị, người ta nhận thấy là tanin nguyên chất có một tác dụng quá mạnh, trong khi vị thuốc tự nhiên làm dịu cơn ỉa chảy tốt hơn, vì các tanin được giải phóng dần dần trong ống tiêu hóa và tất nhiên là có tác dụng dần dần. Trong nhiều trường hợp khác, người ta đều nhận thấy cây thuốc có thể có một vai trò đầy đủ hơn là hoạt chất tách riêng; chất trơ ở trong cây cũng có thể có một vai trò nhất định. Thực ra về một số công dụng, thì hoạt chất hoặc một chiết xuất đã được chuẩn bị kỹ lưỡng lại thu kết quả tốt hơn là bản thân vị thuốc tự nhiên.

 Có trường hợp là một số thành phần có thể gây nên sự kích thích của mô ở chỗ tiêm chủng hoặc những tai biến về máu mà ta cần phải tránh. Chưa nói đến là có những loại thuốc tấn công bằng các chất hóa học mạnh, hạ được chứng này một cách nhanh chóng thì lại làm nảy sinh những chứng khác trong tương lai, như gây tổn thương cho cơ thể : loét dạ dày, gãy xương, xơ gan, rối loạn thần kinh. Trong Y học cổ truyền, người ta tìm thấy cái lợi của việc sử dụng toàn cây hoặc một bộ phận hay cơ quan nào đó ở trong cây.

Các hoạt chất ở phần lớn các vị thuốc đều chưa dược nghiên cứu đầy đủ, người ta chưa thể tách ly chúng ra và xác định các tính chất hóa học, trong khi đó, người ta đã biết, ít nhất cũng là một phần hoạt tính của vị thuốc tự nhiên (ví dụ như cây Lạc tiên và cây Đậu săng) và trong nhiều trường hợp, người ta phải đi tìm vị thuốc tự nhiên hoặc dùng dạng cao lỏng của nó để điều trị.

Tác dụng dược lý của các cây thuốc có khi bị đánh giá thấp, bởi lẽ trong các phương pháp dùng để chế biến, chiết xuất, do lựa chọn chưa cẩn thận, nên đã làm giảm tác dụng. Tuy nhiên trong Y học cổ truyền, người ta có khuynh hướng là dựa vào khí vị, tính năng và quy kinh để đáp ứng bệnh lý thuộc các tạng phủ, kinh mạch, mà khó có thể kiểm chứng bằng thành phần hóa học của chúng. Đó là chưa nói đến những vị thuốc mới phát hiện và dùng theo kinh nghiệm dân gian. Có những bệnh khó điều trị bằng cây cỏ như bệnh lao, bệnh hoa liễu, hoặc một số bệnh về gan, nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn có thể dùng cây thuốc để làm giảm nhẹ một phần nào mức độ của bệnh tật.

Đối với những bệnh nhẹ như cảm hàn, viêm họng và miệng hầu, rối loạn tiêu hóa, iả chảy v.v… người ta có thể dùng cây thuốc để điều trị được tốt; trong những bệnh nặng như một số bệnh phát ban da hoặc các bệnh về phổi về tim mạch, sự điều trị bằng cây cỏ có khi làm tăng thêm mức độ của bệnh; tốt nhất là nên tìm thầy thuốc ở bệnh viện để có sự chẩn đóan chính xác và điều trị có hiệu quả. Trong trường hợp mà ta đã nhờ y, bác sĩ điều trị, thì việc sử dụng cây thuốc phải được sự thoả thuận để góp phần giải quyết tốt việc điều trị, thực hiện tốt phương châm kết hợp Y học hiện đại với Y học cổ truyền.

Nhân dân ta đã có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây cỏ trong nước từ lâu đời, được áp dụng trên bệnh nhân, có tác dụng điều trị tốt. Ngày nay những hiểu biết về cây cỏ làm thuốc đã biến thành những tri thức thông thường mà ai cũng biết; nhiều cây thuốỉc đã đi vào đời sống, vào bữa ăn hàng ngày của nhân dân. Những người xưa đã dựa vào những điều đã quan sát, nhận xét, đúc kết trong việc tìm hiểu về từng loại cây, và căn cứ vào vị (chất), khí (tính) quy kinh và tác dụng của chúng để chia ra:

  • Những cây có vị chua, tính mát hợp vởi kinh can như Giấm, Rau sam đều có tác dụng chống co quắp, co thắt, co cứng, làm bớt ra mồ hôi, dùng trị di tinh, iả chảy.
  • Những cây có vị đắng, tính hàn hợp với kinh tâm như Xuyên tâm liên, Hoàng đằng dùng hạ nhiệt.
  • Những cây có vị mặn tính lạnh hợp với thận làm mềm các chất ứ đọng trong ruột, gây nôn tháo hoặc làm tẩy xổ.
  • Những cây có vị cay, tính nóng như Bạc hà, Tía tô, Gừng, Riềng, Cỏ cú hợp với kinh phế có tác dụng làm ra mồ hôi, làm hạ nhiêt chống co thắt cơ trơn, do đó trị được các chứng viêm nhiễm, làm thông khí phế quản, chống đầy hơi và lên men.
  • Những cây có vị ngọt, tính ấm hợp với kinh tỳ, như Cam thảo, có tác dụng điều bổ, làm tăng sự hấp thụ của ruột và dạ dày.
  • Những cây có vị nhạt, tính bình, hợp với tam tiêu như ô rô, rau Dừa nước, có tác dụng tiêu thấp, lợi tiểu.

Với sự phát triển của Thực vật học, Hóa học, Dược lý học…, việc xác định hoạt chất trong cây cỏ dùng làm thuốc đã chứng minh sự hiệu nghiệm của những kinh nghiệm chữa bệnh trong nhân dân, lấy ánh sáng của khoa học hiện đại làm sáng tỏ thực nghiệm khoa học lâu đời của nhân dân.

Nguồn : Cây thuốc chữa bệnh thông dụng – PTS – Vỏ Văn Chi

Xem thêm

Rau chùm ngây có rất nhiều ở Việt Nam.

Chưa có bài thuốc, lá cây nào chữa khỏi được ung thư

Đó là khẳng định của các chuyên gia đầu ngành về ung thư khi gần …

2 cây cỏ đặc biệt lọt vào giải Nobel Y học

Lọt vào tầm của Nobel Y học danh giá không phải dễ, nhưng có 2 …