Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cây ăn trái / Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng (Phần 3)

Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng (Phần 3)

Sâu bệnh hại cây sầu riêng là phần đau đầu nhất của nhà nông khi trồng loại cây ăn trái này.  Vì vậy tiếp tục trong loại bài chia sẻ “kinh nghiệm cách trồng sầu riêng ” không thể thiếu phần chia sẻ kinh nghiệm trong việc trị và phòng ngừa sâu bệnh hại cây sầu riêng. Nếu quí đọc giả chưa xem 2 phần trước thì vui lòng xem lại theo link dưới đây :

Kinh nghiệm cách trồng sầu riêng (phần 1)
Cách chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch (phần 2)

sâu bệnh hại cây sầu riêng
Ảnh minh họa : sâu bệnh hại cây sầu riêng

Phần 3: Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng

1) Rầy phấn:
Allocaridara malayensis

Đây là côn trùng
gây hại rất quan trọng và phổ biến trên sầu riêng. Ở giai đoạn ấu trùng và trưởng
thành, rầy gây hại bằng cách chích hút lá non và đọt non, làm cho lá không phát
triển, bị biến dạng, cháy mép lá dần dần khô và rụng. Đọt non có thể bị khô và
chết, trơ cành mà có thể nhầm với triệu chứng do bệnh. Vết chích do rầy gây ra
có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây hại.

Con trưởng thành
dài khoảng 2,5-3,0 mm, cánh trong suốt, toàn thân màu vàng nhạt. Trứng được đẻ
thành từng đám trên lá non trong mô lá. Khi mới đẻ trứng có màu vàng, dần chuyển
sang màu nâu. Ấu trùng bên ngoài phủ lớp sáp mỏng và các tua sáp kéo dài ở cuối
thân. Trưởng thành và ấu trùng tuổi lớn thường di chuyển nhanh khi thấy động.

Rầy phấn phát triển
mạnh trong mùa khô. Lây lan nhanh từ vườn này sang vườn khác. Mật độ trong mùa
mưa giảm nhanh, tuy nhiên sẽ tăng mật số nhanh khi mùa khô đến. Cây bị hại nặng
có lá thưa thớt, quăn queo, lá non rụng nhiều và khô ngọn. Cây không phát triển
được tán dẫn đến ra hoa ít, đậu trái kém, trái bị sượng, phẩm chất kém. Rầy tiết
nhiều chất mật được tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển làm đen lá, trái.

Phòng trừ:

– Ngoài tự nhiên
có nhiều loài thiên địch của rầy phấn như nhện, bọ rùa Coccinella, Chrysopa
sp., và ong ký sinh, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thiên địch
phát triển để khống chế rầy.

-Tưới đủ nước và
bón phân thích hợp cho cây khỏe mạnh. Tăng cường bón phân hữu cơ. Ở miền Đông
Nam bộ nên duy trì một lớp cỏ giữ ẩm trong mùa khô.

-Phun nước mạnh
trên tán lá để hạn chế sự hoạt động của rầy.

-Phun thuốc khi
thấy mật số rầy cao, có thể dùng các loại thuốc trừ sâu kết hợp với thuốc nấm để
phòng trừ, thường mỗi cơi đọt nên phun 2 lần cách nhau 15 ngày.

2) Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis)

Gây hại khá phổ biến trên các vùng trồng sầu riêng ở nước
ta. Ngoài gây hại trên sầu riêng, còn gây hại trên một số cây khác như nhãn, ổi,
mãng cầu, chôm chôm… nên việc phòng trừ khó khăn.

Trứng được đẻ trên trái non, nở ra sâu non đục vỏ trái vào
bên trong trái và tiếp tục đục cho đến thịt trái. Hóa nhộng ngay trên đường đục
hoặc chui ra bên ngoài trái nhả tơ kết kén hóa nhộng trên mặt vỏ trái giữa các
gai trái. Giai đoạn này kéo dài khoảng 7-8 ngày.

Trái mọc thành chùm thường bị gây hại ở phần tiếp giáp. Trái
non bị hại dễ bị biến dạng và rụng sớm. Vết đục còn tạo điều kiện cho vi sinh vật
xâm nhập gây thối trái. Do sâu có thể gây hại sớm nên phải bao trái sớm mới có
hiệu quả.

Nhận diện sâu hại qua vết vết đục trên trái, quan sát phân
sâu thải ra bên ngoài vết đục.

Phòng trừ:

Do sâu có nhiều ký chủ khác nhau mà thường được trồng cùng với
nhau trong một khu vực nên phải chú trọng phòng trừ cho các vườn xung quanh.

-Trong tự nhiên có các thiên địch của sâu đục trái cần được
bảo vệ và phát huy như bọ xít ăn mồi, nhện ăn thịt và kiến vàng….

-Tỉa trái để loại bỏ trái sâu và tiêu huỷ. Tỉa trái còn giúp
hạn chế các trái mọc thành chùm dễ bị sâu tấn công.

– Phun trái định kỳ 15 ngày một lần, thuốc trừ sâu cộng với
thuốc trừ nấm. Luôn phiên thay đổi gốc thuốc trừ sâu cũng như thuốc nấm.

3) Sâu đục thân.

Sâu đục thân gây hại quanh năm, thường tấn công vào thân, ăn
tiện vòng quanh vỏ cây, làm chết phần thân trên, tạo vết thương hở để nấm bệnh
xâm nhập.

Phòng trừ : Thường xuyên đi từng gốc để kiểm tra ( 15 ngày /lần ). Khi phát hiện thấy sâu, dùng thuốc trừ sâu nguyên chất bơm vào lỗ sâu hại,hoặc dùng dao bén để moi bắt sâu ra. ngoài ra khi phun thuốc sâu trên lá cũnglưu ý phun vào thân cây để diết bớt ấu trùng .

4) Sâu ăn bông

Bướm đẻ trứng trên chùm bông nở ra sâu non tấn công trên
chùm bông. Sâu non ăn phá các phần non của bông làm hư hại hay rụng sớm. Do mật
số sâu cao (mỗi bướm cái có thể đẻ từ 50-60 trứng) nên việc phá hại dễ gây thiệt
hại đến năng suất mặc dù hoa rất nhiều. Bướm có màu vành nhạt dài 28-32 mm, sâu
non có nhiều lông (dạng sâu róm), hoạt động mạnh. Ở Thái lan, sâu ăn bông được
xếp là loại gây hại quan trọng.

Phòng trừ:

-Theo dõi định kỳ 2-3 ngày/lần giai đoạn trổ hoa. Phát hiện
bướm, tìm diệt ổ trứng và sâu non. Khi sâu mới nở mẫn cảm cao với thuốc nên rất
dễ phòng trừ. Thường sâu gây hại trên diện rộng nên cần quan sát tất cả các
chùm hoa trên các cây.

-Phát huy vai trò của kiến vàng ngăn chặn và hạn chế sâu.

— Phun trái định kỳ 15 ngày một lần, thuốc trừ sâu cộng với
thuốc trừ nấm. Luôn phiên thay đổi gốc thuốc trừ sâu cũng như thuốc nấm.

5) Rầy nhảy: Lawana conpersa

Thuộc loài gây hại ít quan trọng tuy nhiên rầy nhảy có thể
gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như sầu riêng, cam quýt, ca cao,
trà, cà phê, cây rừng và cây kiểng … Rầy trưởng thành và ấu trùng đều gây hại bằng
cách chích hút trên đọt non, lá non, hoa làm cho cây chậm phát triển hoặc tạo
điều kiện cho nấm bồ hóng gây hại.

Trưởng thành trông gần giống như bướm do khi đậu cánh rầy xếp
dọc cơ thể như dạng mái nhà, trưởng thành có kích thước 14 mm toàn thân màu trắng,
cánh màu trắng có nhiều chấm nâu đen. Trứng được đẻ trên đọt non, lá non, trứng
đẻ cắm sâu vào gân lá. Ấu trùng được bao phủ 1 lớp như bông trắng.

Phòng trừ:

– Trong tự nhiên có một số loài nấm có thể gây hại đối với rầy
được ghi nhận ở Malaysia là Metarhizium anisopliae var anisophiae đã làm giảm
đáng kể mật số của rầy.

-Phun thuốc trừ các côn trùng chích hút cũng hạn chế được rầy
nhảy.

6) Rệp sáp (Pseudococcidae)

Rệp sáp gây hại trên cây sầu riêng có nhiều loài,
Planococcus sp. thường thấy gây hại trên lá và Pseudococcus sp. thường thấy hại
trên trái. Rệp sáp gây hại trên trái phổ biến hon trên cành lá.

Rệp bám trên bề mặt và chích hút chất dinh dưỡng làm cho bộ
phận bị hại phát triển kém. Gây hại nghiêm trọng làm cho trái dễ bị sượng. Rệp
sáp bài tiết chất mật đường tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Trái có rệp
sáp và bồ hóng đều không hấp dẫn, khó tiêu thụ và giá bán giảm.

Rệp sáp phát triển mạnh trong mùa khô. Mùa khô cũng là mùa
ra hoa kết trái sầu riêng nên trái dễ bị tấn công hơn.

Phòng trừ:

-Bao trái là biện pháp giúp hạn chế một số dịch hại trong đó
có rệp sáp.

-Duy trì ẩm độ không quá thấp trong mùa khô bằng lớp phủ
xanh trên mặt đất (cỏ phủ đất), bón nhiều phân hữu cơ, tủ đất bằng chất hữu cơ
và tưới đủ nước cũng góp phần làm giảm rệp sáp trong mùa khô.

-Tưới phun trên tán tạo ẩm cũng hạn chế được rệp sáp.

-Nhiều thiên địch có sẳn trong thiên nhiên có thể hạn chế rệp
sáp như Bọ rùa và Ong ký sinh cần duy trì và phát huy vai trò của chúng.

-Chỉ phun thuốc trong trường hợp cần thiết. Ưu tiên sử dụng
các loại thuốc ít ảnh hưởng với thiên địch

-Tỉa bỏ những bộ phận bị hại nặng và tiêu huỷ. Tỉa bỏ trái mọc
từng chùm hoặc mọc gần nhau tạo chổ ẩn trú của rệp sáp.

7) Bọ trĩ

Bọ trĩ gây hại khá phổ biến trên một số vườn sầu riêng ở miền
Đông Nam bộ trong mùa khô. Ở ĐBSCL bọ trĩ ít phổ biến hơn có thể do ẩm độ trong
vườn cao hơn trong mùa khô so với miền Đông Nam bộ.

Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, nhưng có thể quan sát dễ dàng
dưới kính lúp. Bọ trĩ tấn công lá non cho đến khi lá gần trưởng thành. Chích
hút chất dinh dưỡng trong lá làm cho phát triển kém. Lá bị tấn công có màu sáng
bạc, ít thấy màu xanh. Kích thước lá có thể giảm, lá có thể bị biến dạng trong
trường hợp nghiêm trọng. Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển
làm đen lá, trái. Mặc dù không gây chết cây nhưng cây sinh trưởng phát triển
kém làm cho ra hoa đậu quả kém, trái nhỏ, chất lượng giảm.

Phòng trừ

-Duy trì ẩm độ không quá thấp trong mùa khô bằng lớp phủ
xanh trên mặt đất (cỏ phủ đất), bón nhiều phân hữu cơ và tủ đất bằng chất hữu
cơ trong mùa khô, tưới đủ nước cho cây cũng là biện pháp giảm được rệp sáp
trong mùa khô ở miền Đông Nam bộ.

-Dùng vòi nước mạnh tưới lên cây hoặc áp dụng kỹ thuật tưới
phun trên tán trong mùa khô kết hợp tưới nước cũng giúp hạn chế dịch hại.

-Chỉ phun thuốc trong trường hợp cần thiết. Ưu tiên sử dụng
các loại thuốc ít ảnh hưởng với thiên địch

-Tỉa bỏ những bộ phận bị hại nặng và tiêu huỷ. Tỉa cành tạo
tán thông thoáng hạn chế chổ trú ẩn của bọ trĩ.

8) Nhện đỏ

Nhện đẻ từng trứng rải rác trên mặt lá, trứng nhện hình tròn
màu đỏ. Nhện đỏ phát triển mạnh trong thời tiết nắng nóng đỗ ẩm thấp, như mùa nắng
năm 2015, khả năng sinh sản khá cao, vòng đời rất ngắn, gây hại bằng cách ăn biểu
bì mặt lá, tạo thành những chấm trắng li ti và tiết độc tố. Khi bị nhiễm nặng
lá chuyển màu vàng và rụng, ảnh hưởng đến khả năng ra hoa đậu trái của cây.

Phòng trừ:

Trong tự nhiên nhện hại bị nhiều loại thiên địch tấn công,
như nhện nhỏ ăn mồi…..Cần tạo điều kiện cho thiên địch phát triển cũng hạn chế
được tác hại của nhện.

Phun nước lên tán lá trong mùa nắng giúp rửa trôi bớt nhện
và tạo độ ẩm cho thiên địch phát triển sẽ làm giảm mật độ nhện đỏ.

Khi mật độ nhện cao ta mới phải dùng đến hóa học. Dùng thuốc
có hoạt chất Abamectin, phun ướt đều tán mặt trên và mặt dưới lá. 5 ngày sau
phun nhắc lại, nếu nặng cứ 20 ngày phun nhắc lại, 2 lần cách nhau 5 ngày như
trên, nhưng lần 2 thay thuốc bằng thuốc có hoạt chất khác.

9) Bệnh thối vỏ chảy nhựa (bệnh Phytophthora) do nấm
Phytophthora palmivora

Đây là bệnh quan trọng nhất trên cây sầu riêng không chỉ ở
nước ta mà còn trên khắp vùng trồng sầu riêng trên thế giới. Nấm Phytophthora
palmivora ngoài tấn công trên vỏ thân gây triệu chứng thối vỏ chảy nhựa còn gây
hại trên lá gây triệu chứng cháy lá, trên quả gây thối quả, trên rễ gây thối rễ,
trên ngọn non gây hiện tượng chết ngọn. Trong đó, triệu chứng thối vỏ chảy nhựa
là quan trọng nhất.

Trên vỏ thân bệnh khó phát hiện sớm mãi đến khi thấy hiện tượng
chảy nhựa (mủ) từ vết loét do nấm gây ra. Nếu phát hiện sớm vết loét còn nhỏ,
việc phòng trừ nhanh và hiệu quả. Nếu phát hiện muộn, vết loét lan rộng, nhiều
vết loét liên kết với nhau làm cho vỏ cây bị huỷ hoại việc phòng trừ sẽ tốn
kém, vết bệnh lâu lành, cây suy yếu. Nếu không phòng trừ, cây có thể chết khi
nước và chất dinh dưỡng không được chuyển lên cây.

Trên thân cành, quan sát khi thân cây khô ráo, tìm các vết nứt
hoặc chảy nhựa, dùng dao bén cạo bỏ phần mô mặt bị chết. Khi thấy bên trong mạch
dẫn hoá nâu, thâm đen và hư hại dần là triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Trên lá, vết bệnh khởi đầu là những chấm đỏ màu nâu, sũng nước
và lan rộng nhanh. Vết bệnh sau cùng thường có dạng gần tròn màu nâu đen sũng
nước với rìa màu vàng nhạt nhỏ. Vết bệnh lan rộng nhanh trong điều kiện ẩm độ
không khí cao. Vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ cuống lá, cành non làm phần phía
trên héo nhanh, rũ và chết dần.

Trên trái vết bệnh đầu tiên là một đốm đen nhỏ sũng nước lan
rộng nhanh. Vết thối có thể lan sâu làm hỏng phần trong của trái. Trên vết bệnh
có thể thấy nấm tạo thành một lớp trên bề mặt màu trắng xám với rất nhiều bào tử
sẳn sàng lây lan qua gió mưa.

Ngoài gây hại trên sầu riêng, nấm có nhiều ký chủ khác như
cây cao su, mít… …

Phòng trừ:

-Nguồn bệnh có thể có trong bầu đất và cây con. Do đó phải sử
dụng cây giống sạch bệnh.

-Cần chăm sóc cây tốt, khoẻ mạnh để tăng sức đề kháng cho
cây như cung cấp nước phân bón hợp lý, phủ đất trong mùa khô ..…

-Trồng cây trên mô, líp để thoát nước thuận lợi.

-Mật độ cây trong vườn ươm vừa phải, tránh trồng xen quá
dày.

-Tỉa cành tạo tán để vườn cây thông thoáng.

-Tỉa và tiêu huỷ các nguồn bệnh, ngăn ngừa lây lan. Bệnh có
thể lây lan qua dụng cụ chăm sóc, thu hái, giày dép, phương tiện vận chuyển….

-Hạn chế gây thương tích cho cây khi chăm sóc, vận chuyển.
Phòng trừ các côn trùng gây vết thương cho cây. Vết cắt cần quét thuốc trừ nấm.

-Diệt mối và kiến làm tổ lên cây.

-Bón nhiều phân hữu cơ ( 5-60 kg phân hữu cơ hoai/cây/năm).
Nên sử dụng phân gà, phân rác vi sinh, phân bò… được ủ hoai.

-Vết bệnh còn nhỏ có thể cạo bỏ phần mô chết, bôi thuốc,
Aliette 80 WP, Ridomil, Metalaxyl pha 10 %.

-Phun tán cây , Aliette 80 WP, Ridomil, Metalaxyl…Theo hướng
dẫn trên bao bì.

-Dùng các chế phẩm sinh học là hướng đang được nghiên cứu áp
dụng như bón phân hữu cơ bổ sung vi sinh vật có ích như nấm Trichoderma.

-Tiêm cây với thuốc Phosphonate là một kỹ thuật mới được Viện
nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phát triển. Phương pháp này có hiệu quả và giảm
được chi phí khoảng 40% so với biện pháp phun thuốc.

Biện pháp tiêm cây với Phosphonate

Phosphonate là muối Potassium của acid phosphorous được
trung hòa đến pH 6.5-7.0 được sử dụng tiêm vào thân hoặc nhánh lớn. Phosphonate
thường được bán với các hiệu như

Agri fos 400. với nồng độ hoạt chất là 400 g ./L, được pha
loãng với nước sạch theo tỷ lệ 1:1 trước khi tiêm. Để tiêm, trên thân khoan một
lỗ đường kính 5 mm, sâu 30-50 mm với một mũi khoan bén, lỗ khoan cao 50-120 cm
từ mặt đất. Có thể sử dụng ống tiêm chuyên dụng hiệu ChemjetÒ 20mL. Cần khoảng
2-6 lỗ khoan quanh thân cho mỗi cây. Lỗ khoan nên dưới các nhánh lớn. Hút đầy ống
tiêm, kéo cần tiêm về phía sau và xoay nhẹ tay mãi đến khi nghe tiếng “click”,
tay cần được khoá. Vặn vòi ống tiêm vào lỗ khoan cho đến khi thật sát. Phóng
thích cần tiêm bằng cách xoay ngược lại trong khi vẫn cố định ống tiêm trong lỗ
khoan, cần tiêm được phóng thích nhờ lò xo sẽ ép dung dịch thuốc qua lỗ khoan
vào bên trong. Nếu không mua được loại nói trên thì có thể mua ống tiêm bằng nhựa,
rồi dung ruột xe máy cắt ra tạo lực bơm thuốc, tôi làm cách này khá hiệu quả.

Mất khoảng 20-30 phút để thuốc đi hết vào bên trong. Sau đó
xoay ngược lấy ống tiêm ra, hút đầy thuốc và tiêm cho lỗ mới. Nên tiêm vào buổi
sáng sớm vì thuốc sẽ được hấp thu nhanh đáng kể so với buổi chiều. Liều lượng
theo hướng dẫn trên bao bì.

10) Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides
(Penz.) Penz. & Sacc.

Bệnh thường gây hại trên cây bắt đầu đầu mùa khô, lúc trời
mát, nhiều sương mù trong buổi sáng. Bệnh gây hại nặng trên những vườn chăm sóc
kém, thiếu phân và tưới nước không đầy đủ. Bệnh cũng phổ biến trên sầu riêng trồng
trên đất xấu, ít chất hữu cơ, gió mạnh và không được che mát giữ ẩm thích hợp.

Bệnh thường gây hại trên lá, vết bệnh có thể thấy khi lá trưởng
thành trở đi. Vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá, chót lá lan vào bên trong. Vết
bệnh cũng có thể bắt đầu từ vết thương trên lá do côn trùng, rách do gió hay do
chăm sóc. Vết bệnh lan rộng thành những sọc song song có màu nâu đậm trên nền
mô chết có màu nâu xám. Bệnh nặng làm lá khô cháy dần và rụng sớm, trơ cành. Bệnh
làm cho cây suy yếu dần. Triệu chứng bệnh thán thư thường đi kèm với triệu chứng
thiếu dinh dưỡng nhất là thiếu Kali.

Phòng trừ:

– Chăm sóc cho cây khoẻ mạnh, bón phân tưới nước đầy đủ.

-Bón nhiều phân hữu cơ hoai mục.

-Giữ ẩm cho đất trong mùa khô bằng cỏ phủ đất. Phủ gốc với
phân hữu cơ, rơm rạ, cỏ khô trong mùa khô.

-Che mát cho cây con.

-Tỉa bỏ lá bị bệnh nặng và tiêu huỹ. Vệ sinh vườn cây.

-Chú ý phòng trừ một số loại côn trùng gây hại trên lá như
câu cấu, bọ cánh cứng hoặc một số côn trùng chích hút vì chúng có thể gây ra những
vết thương và mở đường cho nấm bệnh tấn công.

-Phun thuốc phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc như Benomyl,
Appencarb, Carbendazim, Mancozeb, Antracol hoặc thuốc gốc đồng. Luân phiên các
loại thuốc để tránh gây ra hiện tượng kháng thuốc của nấm bệnh.

11) Bệnh cháy lá (do nấm Rhizoctonia solani)

Bệnh thường gây hại cây sầu riêng con trong vườm ươm và cây
mới trồng những năm đầu. Bệnh cũng gây hại trên cây trưởng thành nơi có bộ tán
lá rậm rạp hay mọc gần mặt đất ẩm. Bệnh thuờng xuất hiện một nơi sau đó lan rộng
dần ra xung quanh. Vết bệnh thường có màu xanh xám hay xám nâu. Lá non bị nhiễm
bệnh giống như bị luộc trong nước sôi, màu xanh nhợt nhạt sũng nước. Các lá được
kết dính với nhau do sự mọc lan của các sợi nấm. Do đó khi khô chúng dính với
nhau nhưng không rụng. Hiện tượng này nông dân gọi là “tổ kiến”. Bệnh có thể tấn
công lên các thân non làm khô chết phần ngọn phía trên và sau đó sẽ chuyển màu
trắng xám.

– Nấm gây bệnh thường phát triển trong điều kiện ẩm độ cao,
thiếu ánh nắng. Sự lây lan có thể trực tiếp do sợi nấm mọc lan hoặc do hạch nấm
di chuyển nhờ dòng nước. Ngoài cây sầu riêng nấm này cũng còn tấn công các loại
cây non khác.

– Mầm bệnh này thường phổ biến trong rơm rạ, cây cỏ…do vậy sử
dụng các rơm rạ, cây cỏ khô phủ đất cần lưu ý sự lây lan nguồn bệnh.

Phòng trừ

– Ngăn chặn nguồn bệnh lây lan từ bên ngoài vào trong vườn
(từ rơm rạ, cỏ khô, nguồn nước chảy..)

– Mật độ trồng nên vừa phải để tạo độ thông thoáng và hạn chế
lây lan.

– Nên kiểm soát bệnh bằng chế đọ phun thuốc hoá học với các
loại thuốc trừ nấm như EFIGO, Anvil, Moncerene, Bonanza, … Champion 57.6 DP,
Dupont TM Kocide 53.8 WG, Funguran – OH 50 WP, Map – jaho 77 WP, COC 85 WP, PN
– Coppercide 50 WP, Newkasuran 16.6 WP, Cuproxat 345 SC.

12) Bệnh đốm rong đỏ: do rong (algae) Cephaleuros virescens
gây bệnh

Đốm bệnh thường xuất hiện ở phiến lá, đôi khi cũng xuất hiện
trên cành non. Đốm bệnh có màu đỏ rỉ sắt bề mặt như lớp nhung mịn, hơi nhô lên
mặt lá. Bệnh làm giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng kém. Ngoài sầu riêng,
còn gây hại trên nhiều cây trồng khác.

Bệnh thường thấy trên lá đã trưởng thành. Bệnh phát triển
trên cây già cỗi, sinh trưởng kém. Vườn trồng trên đất xấu, vườn chăm sóc kém bệnh
nhiều. Cây con không che mát, chăm sóc kém, bệnh có thể gây hại trên thân cành
non.

Phòng ngừa:

-Bón phân tưới nước đầy đủ cho cây, phòng trừ các loại sâu bệnh
khác giúp cây sinh trưởng tốt giúp hạn chế được bệnh.

-Che mát cho cây con trong mùa khô

-Bón nhiều phân hữu cơ giúp giữ ẩm tốt trong mùa khô.

-Trường hợp bệnh nặng có thể sử dụng Bordeaux để phun trừ.

13) Bệnh nấm hồng do nấm Erythricium salmonicolor (Corticium
salmonicolor)

Bệnh thường xuất hiện trên các cành nhỏ mọc ngang ở nơi phân
cành. Thời tiết mưa ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh
phát triển và lây lan. Đầu tiên những sợi nấm màu trắng phát triển bên trên vỏ
cây. Sau đó hình thành lớp nấm dạng phấn hồng bao phủ bên ngoài vỏ cây. Bên dưới
lớp phấn phủ mô vỏ cây bị thâm và thối làm cho phần trên vết bệnh không được
cung cấp nước và chất dinh dưỡng, sau đó lá vàng khô dần và chết. Vỏ cây có thể
bị nứt ở vị trí vết bệnh. Bệnh thường làm chết cành nếu không phòng trừ kịp thời.
Ở miền Đông Nam bộ bệnh phổ biến và nguy hại hơn so với miền Tây Nam bộ.

Nấm bệnh lây lan qua bào tử bay trong không khí do gió mưa,
gặp điều kiện thích hợp sẽ phát triển thành vết bệnh ở nơi mới.

Phòng trừ:

-Không trồng quá dày, tránh trồng xen rậm rạp.

-Tỉa cành tạo tán nhằm tăng độ thông thoáng trong tán cây và
trong vườn cây.

-Những cành bệnh nặng, cành chết do bệnh cần được cắt và
tiêu huỹ ngăn ngừa lây lan.

-Phun thuốc phòng trừ. Có thể sử dụng các loại thuốc như
EFIGO, Validacin, Bonaza, thuốc gốc đồng…. để phun.

-Quét thuốc lên vếtbệnh mới xuất hiện và ở các vị trí bệnh có thể xuất hiện. Sử dụng các loại thuốcnói trên.

Sưu tầm :Đỗ Trường Sơn

Xem thêm

Kinh nghiệm cách trồng sầu riêng (phần 4)

Trong phần 4 của kinh nghiệm cách trồng sầu riêng xin chia sẻ đến đọc giả chủ đề :ảnh hưởng của lá đến sự ra hoa đậu trái, năng xuất và sức khỏe trên sầu riêng. Có 1 đúc kết rất hay từ những người đi trước : Giữ được lá tất thắng, để mất lá tất bại

Cách chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch (phần 2)

Đây là phần tiếp theo trong loạt bài chia sẻ về kinh nghiệm cách trồng sầu riêng. Bài thứ 2 sẽ là chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch. Nếu bạn chưa xem phần 1 về cách trồng sầu riêng thì vui lòng xem lại link sau :

2 bình luận

  1. bùi nhật quang

    Bài viết rất hay đầy đủ xúc tich ,kiên thức dễ hiểu .Cảm ơn tác giả đã đưa hết tâm tư vào bài viêt