Trang chủ / Cách trồng rau / Độ độc của thuốc BVTV theo ý kiến của nhà chuyên môn

Độ độc của thuốc BVTV theo ý kiến của nhà chuyên môn

Về giả thiết nếu loại bỏ hoàn toàn thuốc hóa học, chuyển sang sử dụng thuốc sinh học không độc hại trên rau, liệu có đảm bảo an toàn dịch bệnh hay không? Tôi e điều này khó đảm bảo, cần thận trọng. Đó là phát biểu của ông  Trương Quốc Tùng – Phó Chủ Tịch Hội KHKT Bảo vệ thực vật VN.

thuc BVTV sBản thân Viện KHNN Việt Nam đã từng có nhiều đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Theo đó cho thấy, chỉ ở giai đoạn cuối vụ, gần thu hoạch rau mới có thể hoàn toàn sử dụng thuốc sinh học mà thôi. Còn ở giai đoạn đầu, vẫn phải sử dụng kết hợp thuốc hóa học và sinh học mới có thể quản lý tốt sâu bệnh.

Bởi thuốc sinh học yêu cầu phải có thời gian sử dụng dài, điều kiện ẩm độ, nhiệt độ… phù hợp, nếu gặp sâu bệnh bùng lên bất ngờ, hoặc điều kiện thời tiết khắc nghiệt thuốc sinh học khó lòng kiểm soát được sâu bệnh.

Một số mô hình SX rau an toàn (RAT) ở Lâm Đồng, Vĩnh Phúc… gần đây nói là chỉ sử dụng thuốc sinh học, điều đó đúng nhưng thực chất vẫn phải sử dụng nhóm Abamectin, Emamectin có độ độc Nhóm II. Vì thế nói không sử dụng bất kỳ thuốc BVTV nào độc hại mà vẫn đảm bảo SX rau đạt năng suất thì e là khó khả thi.

Hiện nay, đang có xu hướng hô hào sử dụng thuốc sinh học, nhưng ở mặt nào đó, cần nhìn nhận rằng nhiều thuốc hóa học thuộc Nhóm III, Nhóm IV vẫn hiệu quả, thời gian cách li ngắn và rất ít độc hại. Ngay cả các thuốc sinh học thế hệ mới như Emamectin… mặc dù nói là thuốc sinh học nhưng vẫn có độ độc thuộc Nhóm II.

Do đó, tôi nghĩ vẫn có thể cho phép sử dụng thuốc hóa học, các thuốc sinh học có độ độc Nhóm II tùy theo từng thời điểm và từng loại rau khác nhau, nhưng nhất định kèm quy trình sử dụng, chứ không nhất thiết cứ cứng nhắc hễ thuốc nào thuộc Nhóm I và Nhóm II là cấm sử dụng.

Bởi với các loại sâu “cứng đầu” nguy hiểm trên rau như sâu tơ, bọ nhảy, sâu xanh da láng… mà không có các loại thuốc “knock out” mạnh thì khó mà trị được. Ở Trung Quốc, hiện họ vẫn cho phép sử dụng các thuốc có hoạt chất Abamectin rất nhiều.

Một phương án khác, trước đây, tôi nhớ khoảng năm 2005-2006, Bộ NN-PTNT cũng đã từng có quyết định ban hành Danh mục các thuốc BVTV cho phép sử dụng trên rau và trên chè. Tuy nhiên về sau, không hiểu vì lí do gì mà danh mục này không còn thấy được đề cập tới. Thiết nghĩ, hiện nay chỉ cần rà soát, bổ sung chi tiết lại danh mục này theo hướng phân loại ra từng nhóm rau cụ thể (như rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả…).

Theo đó, cần thành lập một hội đồng khoa học để rà soát, đánh giá và chọn ra những thuốc BVTV nào đảm bảo ít độc hại mà lại có khả năng phòng trừ bệnh tốt nhất. Sau đó áp dụng cho từng loại rau cụ thể.

Ví dụ: Nhóm rau ăn lá (có danh mục cụ thể) thì được phép sử dụng loại thuốc nào, rau ăn củ được phép sử dụng những thuốc nào, quy trình sử dụng ra sao…? Bên cạnh đó, việc áp dụng danh mục này cũng cần thật linh hoạt và thật cụ thể.

Ví dụ: Một số loại rau ăn sống ngắn ngày như xà lách, rau cải…, có thể yêu cầu hoàn toàn cấm sử dụng thuốc hóa học thậm chí là cả thuốc sinh học có tính độc cao. Nhưng cải bắp, su hào… thời gian sinh trưởng dài, sâu bệnh khó trị vẫn cho phép sử dụng kết hợp thuốc sinh học và hóa học ở giai đoạn đầu.

Làm như vậy, vừa thể hiện được cơ sở khoa học, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà vẫn giúp nông dân kiểm soát tốt các đối tượng sâu bệnh hại. Tránh tình trạng trên thì cứ hô cấm, hạn chế, ở dưới nông dân cứ lén lút sử dụng theo chỉ dẫn của đại lý đến lúc nào sâu chết mới dừng mà không cần biết có an toàn hay không.

Phải có thuốc sinh học thay thế

Hai nhóm thuốc trừ sâu và trừ bệnh có số lượng lớn nhất và đáng phải quan tâm nhất. Đa số các vấn đề ngộ độc, mất ATTP cũng như vấn đề dư lượng trong sản phẩm XK đều liên quan chủ yếu đến hai nhóm thuốc này.

 Theo Thông tư mới nhất số 37/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ngày 17/4/2013 về danh mục thuốc BVTV tại Việt Nam, chỉ nguyên thuốc trừ sâu, chúng ta đã có tới 745 hoạt chất (bao gồm cả đơn chất và hỗn hợp), với 1.662 tên thương phẩm.

Đặc biệt, có quá nhiều thuốc thương phẩm có hàm lượng hoạt chất gần như na ná nhau. Cùng một hoạt chất, thuốc này có hàm lượng 2,0%, thuốc kia có hàm lượng chỉ 2,3 hay 2,5% cũng được đăng ký một tên thương mại khác. Việc thay đổi tên thương mại hiện nay, chủ yếu chỉ nhằm đa dạng hóa bao bì, dễ dàng thương mại, tức là thay đổi nồng độ thuốc, hoạt lực, kích cỡ đóng chai bao gói là chính, mà gần như không có sự thay đổi đáng kể nào về công năng của thuốc.

 Ngay cả cùng một tên thương phẩm cũng có quá nhiều kích cỡ bao gói, gây rối loạn cho người tiêu dùng. Đó là chưa kể, mặc dù một số loại thuốc chúng ta cũng đã đưa vào danh mục cấm sử dụng, một số thuốc tiếng Trung, tiếng Thái không có trong danh mục nhưng bằng cách nào đó, nó vẫn được bung ra tràn lan trên thị trường, thậm chí cả các loại thuốc có độ độc cao vẫn đang được bán để phun cho các đối tượng cây trồng có nguy cơ cao như rau ăn lá, hoa quả…

Về số lượng DN thuốc BVTV, hiện cũng quá nhiều. Nên chăng, cần quy định lại mang tính đặc thù đối với DN kinh doanh thuốc BVTV. Nước gần chúng ta nhất là Trung Quốc hiện nay họ quy định DN ít nhất phải có vốn 3 triệu Nhân dân tệ mới được phép kinh doanh thuốc BVTV.

Nên chăng, chúng ta cũng phải có một hội thảo nào đó, rà soát lại các quy định của các luật khác về DN, để cắt giảm cũng như siết chặt việc cấp phép đối với DN kinh doanh, NK thuốc BVTV. Điều này nhằm tạo điều kiện để quy hoạt động kinh doanh thuốc BVTV về một mối, tạo điều kiện quản lí tốt hơn, chứ không phải là hạn chế sự tự do cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Bên cạnh những bất cập trên, qua rà soát đối với nhóm thuốc trừ sâu và trừ bệnh thời gian qua, cũng đã có sự chuyển biến đáng mừng, khi danh mục thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học hoặc thuốc sinh học, thảo dược (gọi chung là nhóm sinh học), các thuốc hóa học có độ độc thấp đang tăng lên đáng kể.

Cụ thể trong nhóm thuốc trừ sâu, trong số 745 hoạt chất, hiện đã có 175 hoạt chất thuộc nhóm sinh học, tương đương với 494 tên thương phẩm thuộc nhóm này. Trong đó, một số thuốc có nguồn gốc xạ khuẩn với hoạt lực rất cao, mặc dù độ độc vẫn thuộc Nhóm II, nhưng ưu điểm là chúng phân hủy rất nhanh, chỉ cần cách li 2-3 ngày.

Tiêu biểu như hoạt chất Abamectin chiết xuất từ xạ khuẩn có đặc tính diệt sâu rất mạnh (Nhóm II), hiện có tới 100 sản phẩm có hoạt chất này nhưng nó phân hủy rất nhanh, đặc biệt dưới ánh nắng mặt trời gần như phun xong là phân hủy ngay chứ không như các thuốc hóa chất có cùng độ độc nhưng thời gian cách li rất dài.

Nhiều thuốc như thuốc sinh học vi khuẩn Bt, các thuốc có nguồn gốc nấm ký sinh côn trùng, thảo dược (như hạt bông, đinh hương, dầu tỏi, dầu sả, chiết xuất từ bồ kết…) hiện cũng đang dần phổ biến và trở thành xu hướng lựa chọn của nông dân…

Như vậy, đối với nhóm thuốc trừ sâu thì nhóm thuốc sinh học hiện đã chiếm trên 23%, và xu hướng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Tỉ lệ sử dụng thuốc sinh học như vậy so với một số nước châu Âu thì thấp hơn nhiều, nhưng so với nhiều nước trong khu vực là tương đối cao.

Thái Lan hiện nay vẫn cho phép sử dụng nhiều loại thuốc độc hại mà nước ta đã cấm sử dụng. Tất nhiên không nên so sánh, nhưng rõ ràng đây là điều đáng mừng.

Tương tự, đối với nhóm thuốc trừ bệnh, hiện tại trong số 552 hoạt chất thuộc nhóm này, đã có khoảng 64 loại có nguồn gốc sinh học, thảo dược (chiếm 11,6%). Tuy nhiên, diện áp dụng thuốc nhóm sinh học hiện vần còn ở diện hẹp (chủ yếu ở các vùng rau an toàn), giá thành vẫn còn khá đắt, nguồn hàng hạn chế…

Thông tư 37/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ngày 17/4/2013 : Xem tại đây

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Xem thêm

Những thực phẩm ngăn ngừa sa sút trí tuệ

Người lớn tuổi Việt Nam thường quan niệm ăn gì bổ nấy chẳng hạn như …

10 lưu ý để rau quả giữ được nhiều dinh dưỡng nhất

Nhiều bà nội trợ vì muốn giữ rau, trái cây tươi lâu mà rửa qua, …