Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cây sân vườn / Cảm nhận của người yêu hoa kiểng với môi trường đô thị

Cảm nhận của người yêu hoa kiểng với môi trường đô thị

Bắt đầu chơi kiểng vào những năm 90, gia đình tui sống bằng nghề nông nên phân thuốc trong kho đủ loại, thoải mái vừa rải, vừa xịt, “phòng bệnh hơn trị bệnh”!. Dưới quê đất rộng người thưa, kiểng vật mỗi xã thưa thớt vài người chơi, sân bãi cũng không nhiều cây. Sự giao lưu, dịch chuyển cây kiểng giữa các vùng miền rất hiếm nên dịch bệnh, sâu rầy cũng ít.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyển nhà lên thành phổ, cảnh “tấc đất tấc vàng”, thêm nạn “kiểng tặc” hoành hành, nhưng không đành lòng bỏ nghiệp chơi!. Mấy bạn hiền “chung nghề” xúi xây hàng rào thiệt cao tránh đạo chích dòm ngó. Kéo thêm khúc lưới B40, nuôi vài con chó cho chắc ăn, đêm hôm khỏi thao thức. Thành ra sân nhà như cái hang, xịt bình thuốc sâu ba ngày còn hôi rình!. Mấy con chó phóng uế, rụng lông bay tùm lum.Thiệt ra không xây cao hàng rào mùi thuốc sâu, mùi chó mèo lan qua hàng xóm càng rắc rối.

Mà cũng lạ, mấy cây kiểng sống ngoài thiên nhiên phân thuốc gì đâu mà tốt mịt. Vô chậu o bế tối ngày, hở ra là nay sâu, mai rầy, mốt nấm đeo. Thuốc trị vài lần là kháng. Mấy ông bạn “bác sĩ” tư vấn xài thuốc trừ sâu sinh học mắc tiền nhưng an toàn, dùng tẩm mùng trừ muỗi trong nhà được chắc ít độc. Nhưng xài hết… một lít, tới lít thứ hai xịt trúng con sâu nó ngo ngoe không hề hấn gì hết.

Mấy nhóc nhỏ bị ho đi bác sĩ hoài mà không hết, vợ đổ tại dị ứng thuốc trừ sâu, lông chó?. Vợ ra điều kiện: “ông chọn con hay chọn cây?”. Tất nhiên là chọn con. Nhưng biết di dời mấy “cục cưng” đi đâu, xưa giờ người đâu cây đó. Đành cắn răng bán bớt một số cây… xấu xấu, dẹp chó to, nuôi chó bé tí cho êm êm rồi tìm cách khác.

Đi vòng vòng một số sân kiểng của anh em thấy tình hình cũng không mấy khả quan. Có ông ở phố mặt tiền, không có sân trồng nhưng ham trồng Lan bèn lấy lưới đen rào bít sân thượng lại như”u hồn cóc”. Mua Lan giống về treo tầng tầng lớp lớp, đông như… “hội thi hoa hậu”, mỗi lần tưới, do không có hệ thống thoát nước, nước thải chảy tràn lan ra đường đen kịt, hôi rình.

Khi xử lý phân thuốc, cả nhà vợ con phía dưới hưởng trọn. Chỉ tội nghiệp mấy anh gần nhà vì tình làng nghĩa xóm phải cắn răng mà chịu trận, ông bạn già có cội mai cổ thụ thuộc hàng “top”trồng trước sân nhà bị nhện đỏ, nấm lá tấn công xơ xác nhưng thương mấy đứa cháu ngoại hè về chơi, không dám xịt thuốc… kệ bà nó, ăn hết thì thôi! ông ngậm ngùi nói.

Cây kiểng do đặc điểm là “đồ chơi”, phải để gần nhà tiện cho chăm sóc, tưới tắm, thưởng thức, canh giữ nên việc cách ly khi xử lý phân thuốc là không khả thi. Không khéo mình tự hại mình!. Sau quá trình “ngâm cứu”, trong cái khó ló cái khôn, không dùng hóa học thì ta trở lại phương pháp cơ học cổ truyền là… bắt sâu. Mấy cây như Kim quýt, Cần thăng,… sâu chỉ có khi ra đọt no, canh chừng vợt máy bác bướm kiếm chỏ đẻ; buổi trưa không ngủ mang kính lão ra… lượm trứng bướm, còn sót vài con; tối mở đèn bắt tiếp là xong! Họ Tùng, Nguyệt quế, Sơri hay bị rầy đeo khi ra lá non thì dùng vòi nước xịt mạnh trên lá khi tưới cho trôi rầy. Mai vàng hay bệnh nhất, tui thay bằng Mai tứ quý ghép do gốc ghép mạnh nên cũng ít sâu bệnh. Mấy cây Bùm sụm, Đào tiên hay bị rệp sáp tấn công, dùng nước rửa chén xịt cũng hiệu quả không thua… supracide!?. Chơi mấy loại ít sâu bệnh như Me, Khế, Lộc vừng, Tứ quý, Mai Chiếu thủy… Thả thêm ít cóc, tắc kè, rắn mối, nhện làm thiên địch. Bón các loại phân chuồng hoai, phân vi sinh. Sau một năm không dùng thuốc, thấy cây cối phát triển tốt hơn xưa. Có lẽ một phần được quan tâm kỹ. Môi trường sống cũng tốt hơn nhiều. Con hết bệnh, vợ cũng làm ngơ không càm ràm nữa. Do có ít cây và thời gian rảnh chứ nếu trồng để mua bán số lượng nhiều chắc đành chịu.

Môn chơi nào cũng có hai mặt! Nếu ta không cân nhắc cẩn thận đôi khi “lợi bất cập hại”. Sướng… con mắt mà hại cái thân – vợ tôi trầm ngầm kết luận!

Theo Tấn Quốc – Tapchihoacanh

Xem thêm

Nghệ nhân trồng bon sai săn tìm duối lùn ngày càng nhiều

Ngày càng nhiều nghệ nhân trồng bonsai chuyển hướng sang tìm những loại cây độc …

Thu hoạch gần 100 kg rau từ mảnh vườn 10m2

Chỉ sau một tháng trồng rau muống, rau cải… đã mọc xanh mơn mởn, phủ …