Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Cách làm GAP của người Thái

Cách làm GAP của người Thái

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước có ngành cây ăn quả và rau phát triển rất mạnh, có nhiều kinh nghiệm và đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cũng như xuất khẩu các sản phẩm rau quả.

Thái Lan đã ứng dụng những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật trong việc sản xuất rau quả cũng như các biện pháp tiếp thị, chào hàng… Đặc biệt, Thái Lan rất chú trọng đến việc sản xuất rau quả an toàn GAP. Trong chuyến tập huấn về GAP tại Thái Lan, tôi thấy người Thái rất thành công trong lĩnh vực làm GAP, sản phẩm an toàn trước hết là phục vụ cho thị trường nội địa, cho chính người dân Thái, sau đó mới dùng để xuất khẩu.

GAPHiện nay, Thái Lan có 2 hệ thống GAP, đó là tiêu chuẩn GAP quốc gia với logo là “Q” hay gọi là Q GAP và hệ thống thứ 2 là ThaiGAP. Q GAP được hình thành từ năm 2003, đó là hệ thống GAP của quốc gia. ThaiGAP được hình thành từ năm 2007, là hệ thống tiêu chuẩn của Hiệp hội cộng đồng và tư nhân Thái Lan. ThaiGAP được hình thành xuất phát từ những nhà xuất khẩu đến những thị trường đòi hỏi chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao mà chủ yếu là những nước Châu Âu. Chính vì vậy ThaiGAP hầu như đã sử dụng hầu hết những tiêu chuẩn của GlobalGAP. Cho nên, những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn ThaiGAP thì cũng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Cái hay của việc cùng vận hành cả 2 hệ thống GAP là đáp ứng được tất cả các thị trường. Q GAP đáp ứng chủ yếu là thị trường trong nước, nói ở đây là chủ yếu tức không phải là Q GAP chỉ để phục vụ nội địa. Các sản phẩm Q GAP cũng đã được xuất khẩu đến rất nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Singapore… Còn ThaiGAP xuất khẩu chủ yếu theo đơn đặt hàng và đến những thị trường rất khó tính như Mỹ, Úc, Canada…

Theo ghi nhận của Cục nông nghiệp Thái, năm 2008 Thái Lan đã cấp chứng nhận GAP (bao gồm cả ThaiGAP và Q GAP) cho rau quả là 112.705 ha, trong đó nhãn 58.178 ha, sầu riêng 18.487 ha, măng cụt 18.306 ha, xoài 16.465 ha, bắp non 736 ha và măng tây là 533 ha. Trong các siêu thị ở Thái, chúng ta dễ dàng nhận thấy những sản phẩm rau quả đạt chứng nhận Q GAP (có logo “Q”) bên cạnh những sản phẩm thông thường. Ngoài những sản phẩm rau quả, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rất nhiều sản phẩm thịt tươi và thủy sản tươi cũng có chứng nhận Q GAP. Việc gắn logo lên sản phẩm sản xuất theo GAP giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn cho mình những sản phẩm an toàn theo ý muốn.

Hầu hết nông dân làm GAP ở Thái đều được các nhà máy hoặc thương lái ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm. Điều này tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm. Về giá cả, nhìn chung thì sản phẩm Q GAP có cao hơn, nhưng trong một số trường hợp thì không khác biệt nhiều. Giá cả tùy thuộc và sự hợp đồng giữa nhà máy hay thương lái với nông dân. Ngoài vấn đề giá cả của sản phẩm GAP cao hơn, thì ngày nay người tiêu dùng Thái có xu hướng lựa chọn mua những sản phẩm an toàn nhiều hơn. Điều đó giúp cho đầu ra của sản phẩm GAP ổn định về số lượng và giá cả. Đó cũng là nguyên nhân kích thích người nông dân sản xuất theo GAP.

Ở nước ta thời gian qua cũng đã có không ít địa phương sản xuất rau quả theo GAP (bao gồm cả GlobalGAP và VietGAP), đã có nhiều trường hợp đạt chứng nhận GAP. Tuy nhiên, điều rất dễ nhận thấy là hầu hết những sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP bán lẻ trên thị trường (kể cả trong các siêu thị) không có nhãn hiệu riêng, người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm sản xuất theo GAP, do đó khi người tiêu dùng cần mua rau quả an toàn sản xuất theo GAP không thể phân biệt được. Rau quả sản xuất theo GAP cũng bán chung với rau quả sản xuất theo kiểu tự do (không truy nguyên được nguồn gốc, có thể không an toàn), tất nhiên là người tiêu dùng chỉ trả cùng một giá. Như vậy, người sản xuất rau quả theo GAP cũng chỉ bán cùng một giá với người không sản xuất theo GAP, đây chính là nguyên nhân không khuyến khích nông dân áp dụng qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào sản xuất, khiến cho diện tích sản xuất rau quả theo GAP ở nước ta khó mở rộng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải học tập cách làm GAP của người Thái, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn nhãn hiệu hàng hóa sản xuất theo GAP lên rau quả khi bán trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm sản xuất theo GAP. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng tăng kích cầu các sản phẩm nông nghiệp nói chung và đối với rau quả sản xuất theo GAP nói riêng.

Nguồn : Viện cây ăn quả Miền Nam

Xem thêm

Theo nghiên cứu cập nhật nhất năm 2017: Bạn nên ăn bao nhiêu gam trái cây và rau quả mỗi ngày?

Nghiên cứu : Bạn nên ăn bao nhiêu gam trái cây và rau quả mỗi ngày?

Ăn rau quả sẽ có tác dụng, còn sử dụng thực phẩm chức năng hoặc …

Doanh nghiệp tham quan trang trại của hộ nông dân VietGap tại Đà Lạt.

MM Mega Market hỗ trợ nông dân trồng rau chuẩn VietGAP

Công ty hợp tác với 70 nông dân Lâm Đồng sản xuất rau củ quả …