Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Nghề làm nông dưới góc nhìn của người nước ngoài

Nghề làm nông dưới góc nhìn của người nước ngoài

“Nghề làm nông, trồng trọt giờ đang là nghề thời thượng, thu nhập cao hơn hẳn chăn nuôi bởi ngành bò sữa nổi tiếng của Mỹ đang gặp khó khăn vì giá bán thấp mà chi phí đầu vào ngày một tăng cao” Đó là cách nhìn nhận của không ít thanh niên Mỹ.

 Ngay cả hạt giống biến đổi gen trước khi ra thị trường cũng được nhà máy chế biến trộn thêm vào một tỷ lệ hạt không biến đổi gen để tránh cho môi trường quá thay đổi, để cho các sinh vật truyền thống tồn tại cộng sinh và điều quan trọng nhất giúp cho tuổi đời của dòng sản phẩm cao hơn vì chống được tính kháng lại.

Tỷ lệ trộn luôn là vấn đề bí mật của các Cty giống. 90% ngô trồng ở Mỹ là giống biến đổi gen trong khi đó tỷ lệ này ở đậu tương là 93%. Những thông tin nông nghiệp được chuyển tải từng giờ, từng phút đến các máy điện thoại thông minh của nông dân cũng như các kênh radio.

Chúng tôi đã ghé thăm kênh truyền hình nông thôn của bang Tennessee, nơi có chưa đến hai mươi nhân sự nhưng làm việc vô cùng hiệu quả. Kênh truyền hình này chuyển tải đa dạng các thông tin như thời tiết nông vụ (nhất là hạn hán, mưa bão với mức dự báo xa nhất trong vòng 7 ngày), khuyến nông đến thông tin giá cả.

Trong trường quay, Mark – người dẫn chương trình vui tính đã kịp thắt chiếc cà vạt lụa – một món quà của đoàn Việt Nam để truyền hình trực tiếp với một cộng sự ở tiểu bang khác về tình hình giá ngô, đậu. Giọng ấm, phong cách chững chạc, giá cả cập nhật chính xác đến từng xen, từng xu.

Mọi thứ chi tiết, sôi động hệt như sàn chứng khoán phố Wall. Ít ai ngờ những thông tin mà một đài địa phương bên Mỹ như của Mark lại có thể ảnh hưởng gián tiếp đến giá thịt, giá trứng của các bà nội trợ Việt Nam. Đơn giản bởi nó ảnh hưởng đến chuyện nông dân Mỹ có quyết định xuất bán các nông sản như ngô, như đậu hay trữ lại chờ được giá. Mỗi năm Việt Nam phải nhập vài triệu tấn ngô, đậu tương từ Mỹ về cho mục đích chăn nuôi.

Nghề làm nông
Hội chợ nông nghiệp ở Mỹ

Mươi năm trước, thanh niên Mỹ không thích nghề làm nông  nhưng giờ họ quay lại vì nghề làm nông nay đã có máy móc thay thế hết, vì thu nhập từ nghề làm nông cao hơn hẳn ngành ngoài (mức thu nhập bình quân của người dân bang Iowa là 32.000 USD/năm tương đương gần 700 triệu/năm).

Một héc ta đất nông nghiệp hiện thời có giá khoảng 100-200 triệu đồng tiền Việt, tùy vào độ tốt xấu cộng với chi phí thường niên cho các loại thuế má chừng 30 đô/ha/năm. Do vậy phải là người khá hoặc giàu có mới sở hữu được một nông trang đúng kiểu Mỹ, nghĩa là có từ một vài trăm héc ta đến cả ngàn héc ta.

Ở xứ này, nông dân trước khi sản xuất đã mua bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp của mình nên rủi ro đâu, các hãng bảo hiểm hầu như lĩnh hết. Không chỉ có bệ đỡ bảo hiểm, nông dân Mỹ còn có bệ đỡ là các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội trồng ngô bang Iowa chẳng hạn.

 Hiệp hội này do nông dân lập nên và do đóng góp kinh phí một cách tự nguyện để nuôi. Cứ bán một bao ngô họ sẽ có vài xu kinh phí nhất định để đóng vào quỹ hội. Phần lớn quỹ này hội lại dùng để phát triển thị trường, nghiên cứu sản phẩm mới cũng như đào tạo, tập huấn cho chính những người nông dân.

Trên hiệp hội là hội nông dân của bang và trên nữa là liên bang. Như hội nông dân bang Tennessee-nơi có 78.000 trang trại và có hẳn một kênh phát thanh, truyền hình và hai tờ báo riêng, nơi nông dân thực sự có tiếng nói mạnh, quyết định nhiều thứ với chính quyền sở tại.

nghề làm nông
Trại bò của trường đại học Middle Tennessee

Có dịp tham dự hội chợ nông nghiệp của bang Tennessee, khi hàng trăm nông dân lái xe hàng trăm cây số để đưa các sản phẩm như thịt, trứng, sữa, mật ong, rau, đậu… từ nông trang mình đến triển lãm.

 Ở đó hội tụ đủ các màu da đen, trắng, vàng, nâu. Ở đó xì xồ các giọng nói từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ đến những thổ âm vùng Phi Châu xa xôi. Ở đó, tôi đã được dịp bập bẹ một chút lưng vốn tiếng Mông với mấy cặp gia đình người Mông di cư từ Lào sang.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng là hợp chủng quốc của các cách làm nông nghiệp do các di dân mang theo thói quen làm nông từ cố quốc sang. Daryl một anh chàng to cao lộc ngộc kể với tôi về đàn bò chỉ có 38 con nuôi trong một trang trại cổ phần chung với mẹ đẻ.

Trang trại rất bé (tất nhiên bé kiểu Mỹ cũng là mơ ước của nông dân Việt) rộng chỉ có trên 10 ha nên Daryl không tự trồng cỏ mà mua cỏ từ các nông trại khác. Mỗi năm anh xuất bán chừng 10 bê, thu 10.000 đô la cả công cả lãi nhưng đối với anh-một cựu chiến binh phục vụ trong lực lượng không quân Hoa Kỳ tới 22 năm, lương hưu thừa sống, nông nghiệp chỉ như một thú vui giúp cho chân tay được hoạt động, chống lại bệnh béo phì.

Khác với Daryl, Angela thực sự là một chủ trang trại bò lớn đúng nghĩa với 600 ha trồng cỏ, với 300 bò sữa và 150 bò thịt. Gặp tôi ở triển lãm chị vừa cười đúng kiểu nông dân Mỹ được mùa vừa mau mắn mời nếm thử những sản phẩm cây nhà, lá vườn…

Trong suốt hai tuần trên đất Mỹ, rảo hàng vạn bước trên các thửa ruộng xứ này, thỉnh thoảng tôi vẫn bị chứng giật mình vì một chú thỏ hoang hay sóc hoang chạy vụt ra từ bụi cỏ nào đó, mắt xoe tròn đen đến ngơ ngác. Đất Mỹ, từ thôn quê đến các đường phố đâu đâu cũng thấy các con vật hoang như vậy.

Không chỉ có động vật cỡ nhỏ, nhiều nông trại còn rất sẵn cả hươu, nai hoang, chúng nhởn nhơ gặm cỏ, gặm ngô, nhá táo tự do chẳng khác gì sống trong rừng. Ở Mỹ, săn bắn được cấp phép theo mùa (mùa sinh sản tuyệt đối cấm), theo số lượng, theo cả trọng lượng (độ trưởng thành của con vật được đi săn, không được săn con nhỏ).

Theo nongnghiep.vn

Xem thêm

Nông nghiệp thông minh ‘made by’ sinh viên

Từ cuộc sống, các bạn trẻ nhận thấy nhu cầu về sử dụng thực phẩm …

Phương pháp mới giúp tăng năng suất cây trồng không cần dựa vào biến đổi gen hay thuốc trừ sâu

Một loại vi khuẩn tương tự như vi khuẩn trong dạ dày của con người …