Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Các biện pháp phòng trừ chuột hiệu quả

Các biện pháp phòng trừ chuột hiệu quả

chuột
chuột

Chuột, loài vật chuyên gây hại cây trồng, rau màu, gây những tổn thất không nhỏ, sau đây là một số biện pháp phòng trừ chuột hiệu quả

1.Biện pháp thủ công truyền thống

Đào hang chuột cư trú để bắt; hun khói, đổ nước vào hang cho chuột chạy ra rồi đánh bắt hoặc cho chó săn bắt; làm chà hoặc bẫy cây trồng để chuột cư trú tập trung rồi bủa vây đánh bắt; đặt bẫy sập chết chuột hoặc bẫy lồng, nuôi nhiều mèo để bắt chuột. Những biện pháp này rẻ tiền, chỉ tốn công, dễ làm, có thể làm ở mọi nơi từ ngoài đồng đến vườn tược, trong nhà, nhiều người cùng làm nên kết quả cao. Mặt khác phần lớn chuột bắt được là chuột cái đang có chửa hoặc nuôi con sẽ hạn chế tốc độ tăng đàn. Các biện pháp này nên thực hiện sau khi thu hoạch lúa vì thời gian này chuột cư trú trong hang. Riêng biện pháp đặt bẫy có thể thực hiện liên tục, nên đặt bẫy tại vị trí chuột thường chạy qua để tăng xác suất chuột dính bẫy. Các loại bẫy chuột hiện đang được phổ biến và bán tại các chợ, bà con có thể đến mua và sẽ được hướng dẫn sử dụng.

2.Làm hàng rào nilon bao quanh ruộng

Cắm các cọc tre hoặc gỗ xung quanh ruộng lúa sao cho chiều cao mỗi cọc tính từ mặt đất phải đạt từ 50-60 cm, các cọc cách nhau từ 1,5-2 m. Dùng những tấm nilon loại trắng quây dựng kín quanh ruộng theo hàng cọc đã cắm rồi dùng loại dây bền chắc buộc chặt tấm nilon vào cọc. Chân tấm nilon được phủ kín bùn để chuột không thể chui vào ruộng.
Chú ý phải quây tấm nilon theo mặt ngoài các cọc để chuột không thể leo bò các cọc vào ruộng lúa. Biện pháp này chi phí không cao, nếu bảo quản tốt nilon có thể dùng được nhiều lần, ngăn ngừa đáng kể chuột vào ruộng lúa, có kết quả cao nên đang được bà con nhiều nơi áp dụng.

3. Dùng thuốc hóa học

Có thể dùng thuốc chuột trộn vào mồi làm bả để chuột ăn rồi chết. Nên sử dụng loại thuốc BIORAT có nguồn gốc sinh học, hạn chế sử dụng các loại thuốc có độ độc cấp như Fokeba 20%, Zinphos 20% sẽ nguy hiểm và gây độc môi trường. Nồng độ, liều lượng, cách pha trộn, cách đặt hoặc bỏ mồi bả tuân theo hướng dẫn trên bao bì thuốc, người bán thuốc hoặc cán bộ kỹ thuật BVTV, khuyến nông viên cơ sở.
Chú ý tránh gia súc, gia cầm, chó, mèo ăn phải mồi bả; thu gom chuột chết đem chôn lấp với vôi bột sâu dưới đất, không để chuột chết trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Cần tập trung diệt chuột vào khoảng thời gian từ cuối tháng 10 đến tháng 12 khi đã thu hoạch vụ mùa, trong mùa mưa lũ chuột tập trung lên những vùng đất cao để cư trú kiếm ăn sinh sống; từ tháng 3 đến tháng 4, tháng 7- 8 trước khi chuột đẻ rộ để nâng cao hiệu quả.

Nguồn Cục Trồng trọt- Bộ NN&PTNT