Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Cách tiêu hủy sâu đục trái bưởi bằng nước vôi

Cách tiêu hủy sâu đục trái bưởi bằng nước vôi

Hiện nay sâu đục trái bưởi là một đối tượng dịch hại phổ biến trên các vườn bưởi, không chỉ gây hại trên bưởi, sâu còn gây hại trên các loại cây có múi khác như cam xoàn, cam sành, chanh, tắc. Một trong những nguyên nhân làm sâu đục trái lây lan nhanh là do nông dân ít ai quan tâm đến việc tiêu huỷ nguồn sâu. Vì thế hướng dẫn nông dân biện pháp tiêu huỷ nguồn sâu tồn tại trong vườn cũng là giải pháp quản lý sâu đục trái bưởi có hiệu quả cao.

Trưởng thành của sâu đục trái bưởi là một loài ngài hoạt động về đêm, ban ngày chúng rất chậm chạp, hoạt động mạnh vào lúc 18 giờ đến 20 giờ. Bướm đẻ trứng vào ban đêm nên nông dân rất khó phát hiện giai đoạn bướm. Bướm đẻ trứng trên vỏ trái bưởi, thường có khuynh hướng đẻ từ giữa trái trở xuống phần đít trái. Sâu non mới nở (tuổi 1) đục ngay vào trong trái,  lổ đục nhỏ bằng đầu bút bi, độ sâu khoảng 5-10 mm ở phần vỏ trái. Thời điểm này phun thuốc có hiệu quả, vết đục sẽ liền lại để sẹo nhỏ trên trái. Sâu non tuổi 2, bắt đầu thải phân ra ngoài, lổ đục sâu khoảng 30 mm. Cuối tuổi 4 sâu chui ra ngoài trái, nhả tơ tạo kén làm nhộng trong đất. Biện pháp bồi sình diệt nhộng cũng hạn chế sự phát triển của sâu.

Ngâm nước vôi 1%.
Ngâm nước vôi 1%.

Sâu đục trái bưởi có thể phát tán qua đất có chứa nhộng từ vùng này sang vùng khác, thành trùng phát tán nhờ gió do thành trùng có khả năng bay xa. Ngoài ra, những trái bị sâu đục rụng xuống đất là nguồn lưu tồn nhân mật số ngày càng nhiều. Vì thế, tiêu huỷ những trái bị sâu đục là biện pháp quan trọng để hạn chế sự lây lan của loài sâu hại này.

Một số biên pháp tiêu huỷ nguồn sâu:

– Bỏ những trái bưởi bị sâu vào tuí nilon phơi nắng khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên, đối với biện pháp này đôi khi vẫn còn một số sâu có thể cắn túi nilon để chui ra ngoài.  Nông dân không nên bỏ những trái bị sâu đục xuống mương vườn, vì gió sẽ thổi những trái bưởi tấp vào bờ và sâu có thể bò lên bờ tìm đất để hóa nhộng hoàn thành vòng đời của chúng và tiếp tục nhân mật số.

– Đào hố chôn sâu và lấp đất lại. Trong trường hợp đào hố chôn phải đào thật sâu, vì sâu có khả năng chui lên tìm đất hoá nhộng.

– Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre đã thử nghiệm thành công biện pháp tiêu huỷ sâu đục trái bưởi bằng nước vôi 1%.

Cách làm: Sử dụng một dụng cụ chứa nước (có thể dùng “lu” đựng nước hoặc thùng để sẵn trong vườn bưởi) pha nước vôi với nồng độ 1% (100 lít nước + 1 kg vôi), bỏ những trái bưởi bị sâu đục vào trong “lu”. Chỉ 24 giờ sau, tất cả những sâu nằm bên trong trái bưởi đều bị chết, sau đó có thể vớt bỏ ra ngoài (vì sâu bên trong đã chết ) để trống chổ tiếp tục bỏ những trái khác vào. Cứ thế, mỗi khi đi thăm vườn phát hiện những trái bị sâu đục, nông dân gom lại, bỏ vào trong “lu” đã chứa nước vôi pha sẵn. Đây là biện pháp dễ làm, ít tốn kém và đạt hiệu quả cao.

Quản lý sâu đục trái bưởi đòi hỏi phải áp dụng một qui trình tổng hợp nhiều biện pháp, những biện pháp cần được vận dụng linh hoạt và theo phương châm “ Cộng đồng- đồng loạt – thường xuyên” mới đạt hiệu quả cao./.

sonongnghiep.bentre.gov.vn

Xem thêm

Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng (Phần 3)

Sâu bệnh hại cây sầu riêng là phần đau đầu nhất của nhà nông khi trồng loại cây ăn trái này. Vì vậy tiếp tục trong loại bài chia sẻ "kinh nghiệm cách trồng sầu riêng " không thể thiếu phần chia sẻ kinh nghiệm trong việc trị và phòng ngừa sâu bệnh hại cây sầu riêng.

Các bài thuốc ứng dụng từ trái bưởi

Bạn có biết bưởi không chỉ là món ăn được nhiều người ưa chuộng mà …