Trang chủ / Thiết kế cảnh quan / Khi thiên nhiên nổi dậy với con người

Khi thiên nhiên nổi dậy với con người

Trong những năm gần đây khí hậu đang có những biến đổi và xảy ra những hiện tượng lạ khó giải thích, thời tiết cực đoan do con người gây ra biến đổi khí hậu. Đây mới là thông điệp quan trọng được giới khoa học môi trường cảnh báo trước hiện tượng thời tiết cực đoan ở khắp nơi trên thế giới. Mọi người đã chứng kiến và đang phải trả giá cho chính tác động của mình đối với môi trường thiên nhiên.

Hiện tượng mưa đá
Hiện tượng mưa đá

Những ngày đầu tháng 4/2014 chứng kiến sự “nổi loạn” của thời tiết khi các trận mưa đá đầu tiên năm 2014 đồng loạt tấn công các tỉnh miền núi phía Bắc. Cả mưa trái mùa ở Lâm Đồng cũng có mưa đá. Rồi hiện tượng buổi sáng trời đất bỗng dưng tối sầm như đêm do mây đen dày đặc che mặt trời vừa xảy ra ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Đáng chú ý, các chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo mưa đá và lốc xoáy còn tiếp tục trút xuống một số địa phương trong vài ngày tới.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn, cường độ mạnh hơn và bất thường, trái với mọi quy luật được con người khám phá. Nhưng nếu quy hiện tượng thời tiết cực đoan đều do biến đổi khí hậu, là “chuyện của trời”, coi như xong. Mọi hành vi xâm hại thiên nhiên hóa ra vô can. Giống như vỡ đập trong một số trường hợp, lỗi được coi như do lũ về nhanh quá.

Chính xác, phải nhấn mạnh, thời tiết cực đoan do con người gây ra biến đổi khí hậu. Đây mới là thông điệp quan trọng được giới khoa học môi trường cảnh báo trước hiện tượng thời tiết cực đoan ở khắp nơi trên thế giới. Mọi người đã chứng kiến và đang phải trả giá cho chính tác động của mình đối với môi trường thiên nhiên.

Chỉ tính trận mưa đá bất chợt ập xuống Cao Bằng đêm 31-3, đợt mưa đá lớn nhất trong hàng chục năm qua, đã làm 5 người bị thương, vỡ thủng 4.634 nóc nhà, phá nát hơn 1.000 ha rau màu khiến dân nghèo lâm cảnh khốn đốn. Vùng thủy điện Sông Tranh 2 Bắc Trà My, Quảng Nam tối 3-4 chao đảo với một trận động đất 3,4 độ richter, gây rung lắc khá mạnh, không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng không thể không làm lòng dân bất an.

Thời tiết ở ta năm 2013 và những tháng đầu năm nay biến động rất lớn . Năm 2013 ghi nhận rất nhiều kỷ lục như có tới 15 cơn bão, 4 áp thấp hoạt động trên Biển Đông. Đặc biệt cuối năm liên tiếp có tuyết mà tuyết rất dày, rơi kéo dài nhiều ngày ở Sapa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang). Rồi trận mưa kỷ lục mùa đông năm ngoái khiến lũ lớn về hồ thủy điện Sơn La được xem là chuyện hiếm.

Không phải ngẫu nhiên, Liên Hợp Quốc lại chọn nhiều ngày trong năm làm Ngày quốc tế có liên quan đến thiên nhiên. Tháng 3 có Ngày Nước sạch thế giới 22-3, Ngày Khí tượng thủy văn 23-3. Tháng 4 có Ngày Trái Đất 22-4 rồi sau là Ngày Môi trường thế giới 5-6, Ngày Đại dương thế giới 8-6…

Bảo vệ Trái Đất, thiên nhiên, môi trường vẫn là thách thức lớn của mọi quốc gia trên hành trình phát triển bền vững. Trái Đất vẫn đang nóng lên và theo dự báo gần nhất, mùa đông ở Bắc bán cầu năm nay được ghi nhận lạnh hơn so với các mùa đông trước trong khi Nam bán cầu nắng nóng kỷ lục.

Còn nước ta, một trong 5 nước dễ bị tổn thương nặng trước tác động của biến đổi khí hậu? Sự gia tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ 21 sẽ đem lại những nguy cơ lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long – theo các chuyên gia. Các cơn bão cũng gia tăng cả về số lượng, cường độ, gây thiệt hại từ 1% -3 % GDP. Theo tính toán, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, con số thiệt hại này sẽ tăng lên đến 10% GDP/năm.

Bốn năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BÐKH. Bộ TN&MT đang sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Nhưng nước ta đang đối mặt với ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí. Tài nguyên nước khai thác mạnh mẽ để vận hành thủy điện. Tỷ lệ rừng, các hệ sinh thái, động thực vật suy giảm nhanh. Khí tượng thủy văn ngày càng nhận được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, nhưng theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, cơ sở vật chất để phục vụ công tác này còn lạc hậu.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư Bùi Minh Tăng nhìn nhận, trước đây, các chu kỳ của thời tiết tương đối ổn định, giờ đây mọi thứ đã biến động rất nhiều theo hướng tiêu cực. Điều ông Tăng muốn lưu ý là chúng ta cần ở thế sẵn sàng đối phó với các biến động cực đoan của thời tiết, khí hậu năm 2014 này.

Đã có không ít hội thảo, hội nghị cấp quốc gia, quốc tế, địa phương, bộ ngành cùng nhiều văn bản Luật, Chương trình chiến lược, cơ chế chính sách được xây dựng để bảo vệ TN&MT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng lại hơi bị hiếm sự vào cuộc thực sự của người dân và cộng đồng, bảo vệ và giám sát bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Một mảng hết sức đặc thù trong phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu không thể không làm là sự phối hợp liên ngành, những mô hình dân sinh khả thi nhân rộng…

Giải pháp được quan tâm giờ đây còn là phát triển các mô hình, kỹ thuật dự báo chính xác hơn. Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và đầu tư cho lĩnh vực viễn thám để quản lý hiệu quả hơn…

Tất nhiên, chúng ta biết năm 2014 cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu, biết áp thấp nhiệt đới, bão sẽ ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn, để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời. Nhưng lâu dài, cần không kém là ứng xử tử tế, văn hóa và khoa học với thiên nhiên, Trái Đất, như một lẽ an sinh khôn ngoan, bền vững.

 Theo lifetv.vn

Xem thêm

Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ con bằng việc cùng chúng trồng rau làm vườn

Sẽ không có cách nào tốt hơn để nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ con …

Các nhà khoa học tìm ra cách tái thiết lại thực vật tự nhiên để chống biến đổi khí hậu

Cây cối trong tương lai khi được cấy loại enzyme này sẽ hấp thụ CO2 …