Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cây sân vườn / Vị thuốc từ cây Huyết giác

Vị thuốc từ cây Huyết giác

Huyết giác hay “xác máu” là cây dạng nhỡ cao khoảng 3,5m, có thể cao tới 10m, to 30cm, ở gốc; thân thẳng, nhánh có sẹo lá to, ngang. Lá mọc khít nhau, hẹp, nhọn, dài 30-50cm, rộng 1,5-4cm. Chùy hoa dài, có thể tới 2m, chia nhiều nhánh dài, mảnh. Hoa màu vàng, dài 8mm, thường xếp 3-5 (có khi 10) cái trên các nhánh nhỏ. Quả mọng tròn, đường kính 8-10mm, khi chín màu đỏ, chứa 3 hạt.

Cây Huyết giác ra hoa trên vỉa hè đường Nguyễn Phúc Tần, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T
Cây Huyết giác ra hoa trên vỉa hè đường Nguyễn Phúc Tần, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T

Cây mọc trên núi đá vôi trong đất liền và hải đảo từ Bắc chí Nam, những năm gần đây được trồng làm cây cảnh khắp nơi vì có dáng đẹp và thường xanh. Người ta chỉ khai thác thân cây già đã chết, bóc bỏ vỏ ngoài để lấy lõi gỗ đỏ nâu, chẻ nhỏ phơi khô, làm dược liệu gọi là Huyết giác.

Theo Đông y, Huyết giác có vị đắng chát, tính bình; có tác dụng chỉ huyết, hoạt huyết, sinh cơ, hành khí; dùng chữa bị thương máu tụ sưng bầm, bế kinh, tê mỏi, đau lưng nhức xương và mụn nhọt, u hạch. Dùng ngoài tán bột đắp bó gãy xương. Ngày dùng 8-12g sắc uống hoặc dùng thuốc ngâm rượu, uống hoặc xoa.

Ở Trung Quốc, người ta sử dụng lá và nhựa cây để trị đòn ngã tổn thương xuất huyết, bệnh  trĩ chảy máu, đau ngực, đau bụng, hen suyễn, kiết lỵ, tiểu ra máu, nôn ra máu, ho ra máu, trẻ em cam tích.

Lưu ý không dùng Huyết giác cho phụ nữ có thai.

Vị thuốc bài thuốc :

1. Rượu xoa bóp: Huyết giác 20g, Quế chi 20g, Thiên niên kiện 20g, Đại hồi 20g, Địa liền 20g, Gỗ vang 40g. Các vị tán nhỏ, cho vào chai với 500ml rượu 30 độ, ngâm một tuần lễ, lấy ra vắt kiệt, bỏ bã. Khi bị thương do đánh đập, té ngã, đau tức, bầm ứ huyết, dùng bông tẩm rượu thuốc xoa bóp. Có thể ngâm riêng 100g Huyết giác trong nửa lít rượu để vừa uống vừa xoa, tác dụng tương tự.

2. Vùng tim đau nhói, ngực căng tức, vai đau ê ẩm, sống lưng bị trật do gánh vác nặng và leo chạy nhiều lao lực:dùng Huyết giác, Đương quy, Ngưu tất, Mạch môn, Sinh địa, mỗi vị 12g, sắc uống. Nếu có sốt, ho, tim to thì gia Chi tử, Thiên môn, Địa cốt bì, Huyền sâm, mỗi vị 12g, sắc uống.

3. Thuốc bổ máu: Huyết giác 100g, Hoài sơn 100g, Hà thủ ô 100g, hạt Tơ hồng 100g, Đỗ đen sao cháy 100g, Mè đen 30g, Ngải cứu 20g, Gạo nếp rang 10g. Tất cả tán bột trộn với mật làm thành viên, ngày dùng 10-20g.

4. Đại tiểu tiện ra máu: Dùng lá tươi cây Huyết giác 160g, nấu nước pha đường kính uống.

5. Trị ho hoặc nôn ra máu, chảy máu cam: Lá tươi cây Huyết giác 160g, Long nha thảo và Rễ tranh mỗi thứ 60g; sắc nước chia 2 lần uống trong 1 ngày.

Ghi chú :

Hãy phân biệt với cây Dứa lẵng la (còn gọi Dứa núi) tên khoa học là Pandanus utilis, thuộc họ Dứa dại – Pandanaceae. Còn cây “xác máu” mọc nhiều ở danh thắng Ngũ Hành Sơn chính là cây Huyết giác, có tên khác là Giác máu, Trầm giác, Dứa ông…, tên khoa học Dracaena cambodiana, thuộc họ Bồng bồng (Huyết dụ) – Dracaenaceae.

PHAN CÔNG TUẤN-Báo Đà Nẵng

Xem thêm

Cách giảm đau vai gáy bằng vật liệu có sẵn trong gia đình

Cuộc sống hiện đại và văn phòng khiến cho nhiều người mệt mỏi vì chứng …

Các bài thuốc về cách dùng ngãi cứu

Ngải cứu (diệp) tên khoa học là Artemisia vulgaris L. Họ Cúc (Asteraceae). Hái cành …