Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cây sân vườn / Vị thuốc chữa bệnh từ cây Ngũ trảo

Vị thuốc chữa bệnh từ cây Ngũ trảo

Ngũ trảo (Vitex negundo var. cannabifolia Hand. Mazz., thuộc họ cỏ Roi ngựa (Verbenaceae), tên cũ: V. negundo var incise C.B.Cl.), còn có tên: Mẫu kinh, Hoàng kinh, Ngũ trảo răng cưa. Tên thường dùng (Ngũ trảo) là do hình dáng của lá, trông như 5 cái móng chim.

cây và hoa ngũ trảo
cây và hoa ngũ trảo

Tiểu mộc cao 3,5 m; cành vuông non vuông, có lông mịn, vàng vàng. Lá mọc đối, mang 5 lá phụ thon hẹp, dài 5 – 8 cm, bìa có răng cưa to, mặt dưới có lông vàng vàng; cuống phụ 5 – 15 mm. Chùm tụ tán và hoa màu trắng phớt tím nhạt. Trái 3 – 4 mm, chứa 4 hột.

 Cây ngũ trảo thường trồng bằng hạt ,làm hàng rào, làm cảnh vì có lá đẹp, thơm, dùng làm thuốc, mùa hoa tháng 11.

Lá, chồi, vỏ thân, hột đều có dược tính: có tính thu liễm, trấn thống, trị kinh phong, thấp khớp, chống bướu.

– Giải biểu, giải nhiệt: dùng trong chứng cảm, sốt để thanh nhiệt, giải độc (dùng lá nấu uống; lá Ngũ trảo, Sả, Bưởi… nấu nồi xông).

– Hóa thấp tiêu đờm, giảm đau, trị rối loạn tiêu hóa, đau bụng tiêu lỏng, đau bụng kinh, đau răng (dùng lá Ngũ trảo sắc uống).

– Khu đờm, trị ho, dùng trong phế quản viêm, suyễn; làm long đờm, dễ khạc, giảm ho và trị viêm (lá Ngũ trảo độc vị hoặc thêm Cam thảo sắc uống).

– Trị thấp khớp: lá Ngũ trảo khô, sao vàng thêm lá Lốt sắc uống. Trị đau nhức khớp xương, sưng bầm, té trặc, đau đầu: lá Ngũ trảo tươi, sao nóng, để vừa ấm 370C bó chỗ sưng đau. Sao lại và bó tiếp ngày 3 lần.

Liều dùng trung bình 40 – 60 g lá tươi hoặc 20 – 30 g khô sắc uống trong ngày.

Dùng ngoài (lá tươi giã nát thoa hoặc nấu nước tắm) trị dị ứng, viêm da, ngứa.

Kết quả nghiên cứu mới về Ngũ trảo

  + Thành phần hoạt chất:

Tinh dầu Ngũ trảo chứa sabinen, linalool, terpinen-4-ol, b-caryophyllen, a-guain và globulol… B-caryophyllen thường có trong lá, hoa và trái khô.

Lá chứa alkloid nishindin, flavon, luteolin-7-glucosid, casticin, iridoid.

Hột chứa hydrocarbon, b-sitosterol, benzoic acid và phthalic acid, glycosid, và diterpen, flavonoid, triterpenoid có tác dụng kháng viêm.

+ Tác dụng:

hoa ngũ trảo
hoa ngũ trảo

– Kháng viêm, giảm đau, trị thấp khớp, trị ho (tương tự dextromethor phan trong trị ho, giảm ho và thư giãn cơ trơn; tương tự phenylbutazon và ibuprofen trong trị đau nhức, thấp khớp). Lá Ngũ trảo tươi có tác dụng kháng viêm giảm đau, chống dị ứng tốt.

Chống nọc rắn: thử nghiệm trích tinh cồn của Ngũ trảo trên nọc rắn lục Vipera russellii và rắn hổ Naja kaouthia cho thấy có tác dụng trung hòa nọc của chúng. Như vậy kinh nghiệm dân gian dùng lá Ngũ trảo nhai nuốt nước, bã đắp khi bị rắn cắn là có cơ sở.

Kháng sinh, kháng nấm, chống lăng quăng: nước sắc/trích tinh bằng cồn của Ngũ trảo được thử nghiệm cho thấy có tính kháng sinh đối với Bacillus subtilis, Escherichia coli, Salmonella typhi, Vibrio mimicus, Staphyllococcus aureus, Proteus vulgaris, Proteus aeruginosa, và 3 loài nấm (Aapergillus niger, Aspergillus flavon, Candida albicans). Nước sắc hoặc rượu Ngũ trảo có tác dụng kháng sinh trên các vi khuẩn trên trị trúng thực, sình bụng, tiêu chảy, huyết trắng, nhiễm trùng da… Để diệt nấm thì nước sắc tốt hơn cồn (gội đầu trị nấm tóc, nước sắc để rửa âm đạo trị Candida albicans). Tinh dầu hoặc nước sắc lá Ngũ trảo có thể diệt lăng quang, chống muỗi.

Chống oxy hóa: trích tinh bằng cồn ethyl lá Ngũ trảo cho thấy có tác dụng chống oxy hóa, kể cả giảm sự oxy hóa chất béo. 12 g trà Ngũ trảo hàng ngày giúp trường thọ.

Chống co giật: nghiên cứu cho thấy Ngũ trảo có tác dụng chống co giật, nó làm giảm  pentylenetetarazole là chất gây ra cơn co giật.

Bảo vệ gan và dạ dày: Ngũ trảo có tác dụng bảo vệ màng nhầy ruột và gan (trị viêm gan, đau dạ dày). Nhưng tránh dùng liều cao vì gây độc tế bào.

Tác dụng giải lo: ở liều 6 g lá Ngũ trảo khô có tác dụng an thần, chống stress và làm dễ ngủ.

Tác dụng chống nghiện: hột Ngũ trảo phơi khô, tán mịn ngâm rượu có tác dụng chống cơn nghiện ma túy, rượu, thuốc lá do tính kháng viêm giảm đau và an thần của nó.

Tính kháng vi tơ trùng: trích tinh rễ Ngũ trảo có tính làm bất động vi tơ trùng Brugia malayi (gây bệnh phù chân voi).

Cách chế xi rô

Ngũ trảo: 4 muỗng canh vun bột lá Ngũ trảo cho vào 4 ly nước (1 lít). Đun sôi 50 phút. Lọc lấy nước cốt và thêm 1 ly mật ong. Đun nhỏ lửa trong nồi sứ cho đến khi có độ sệt dạng xi rô. Để nguội, cho vào chai màu nâu, nút kín để dành. Trị ho trẻ con: mỗi lần 1 – 2 muỗng cà phê, ngày 3 lần.

DS. PHAN ĐỨC BÌNH

Xem thêm

Sả là loại cây thuộc họ cỏ, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, được sử dụng từ lâu đời, vừa là thực phẩm, vừa là thảo dược.

Uống trà sả thanh lọc cơ thể

Một trong những công dụng kỳ diệu của sả là thanh lọc cơ thể. Uống …

Vỏ bưởi trị chứng hói đầu

Vỏ bưởi có khả năng trị hói, công dụng giảm béo và hỗ trợ làm …

1 bình luận

  1. Lê thanh ngà

    Xin hỏi chỗ của mình có bán hạt giống ngũ trảo ko ạ?