Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Từ phụ phẩm nông nghiệp đến năng lượng sạch

Từ phụ phẩm nông nghiệp đến năng lượng sạch

Trước đây, không khó để bắt gặp cảnh vỏ trấu được vứt bỏ ngổn ngang khắp nơi cạnh những lò xay xát, hoặc được mang đi đốt bỏ ngoài đồng, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường ở khắp các vùng quê ở tỉnh ta. Thế nhưng, hiện nay, nhờ công nghệ ép thanh, vỏ trấu đã được biến thành “củi trấu” – một sản phẩm năng lượng “sạch” phục vụ cho sản xuất.

Từ phụ phẩm nông nghiệp

Chị Trần Thị Chuyết là chủ một cơ sở xay xát lớn có tiếng ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy), với công suất máy xay xát mỗi ngày lên đến 10-15 tấn lúa, lượng vỏ trấu thải ra cũng lên đến 1,5-2 tấn/ngày. Mặc dù chị đã làm kho chứa, kêu gọi người trong thôn đến xúc về đun nấu, rồi thuê người xúc và xe vận chuyển đi đổ hằng ngày hết khoảng 800.000 đồng, nhưng lượng vỏ trấu vẫn ùn ùn tích trữ lại khiến cơ sở lúc nào cũng ngập trong vỏ trấu, những ngày gió thì bụi trấu mù trời, còn ngày mưa thì vỏ trấu chảy tràn, ướt nhẹp.

Từ 2 năm trở lại đây, HTX Dũng Luật đã liên hệ “thanh lý” số vỏ trấu này để sản xuất củi trấu ép, nên chị Chuyết rất mừng vì cơ sở vừa không bị tồn vỏ trấu vừa không tốn thêm số tiền 800.000 đồng/ngày để thuê xe chở vỏ trấu đi đổ…

Còn cơ sở xay xát của chị Trần Thị Quynh ở xã Duy Ninh (Quảng Ninh) mỗi ngày chỉ xay xát chừng 4 tấn lúa, nhưng cũng loay hoay tìm cách giải quyết với cả tấn vỏ trấu thải ra, cho đến khi có một người trong thôn đến mua về nấu rượu với giá 50.000 đồng cho số lượng vỏ trấu thải ra trong ngày. Nhưng chính người mua vỏ trấu này cũng cho biết, vỏ trấu nén sơ lại trong lò để đun nấu cũng chỉ giải quyết được áp lực củi đun, chứ khói bụi khi nấu rất ô nhiễm…

Đây chỉ là hai trong rất nhiều chủ cơ sở xay xát lúa ở tỉnh ta than phiền về việc “giải quyết” vấn đề vỏ trấu – một loại phụ phẩm nông nghiệp đã được người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long “biến” thành tiền nhờ công nghệ ép thanh, ép viên. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại tỉnh ta có trên 20 cơ sở xay xát lớn với công suất khoảng 10-15 tấn/ngày, còn cơ sở xay xát nhỏ từ 3-5 tấn/ngày cũng phải đến cả trăm, chủ yếu tập trung ở thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.

Theo tính toán, mỗi ngày các cơ sở này sẽ xay xát từ 500-1.000 tấn lúa, với tỉ lệ 5 lúa-1 trấu thì sẽ thải ra chừng 100-200 tấn vỏ trấu. Với công nghệ ép thanh hiện nay, số vỏ trấu này có thể “lên đời” thành khoảng 67-135 tấn củi trấu, với giá bán 1.500 đồng/kg sẽ mang lại 100-200 triệu đồng/ngày…

… Đến năng lượng “sạch”

cui trauĐó là loại củi trấu đã được ép thanh từ vỏ trấu được bán với giá từ 1,1-1,5 triệu đồng/tấn đang được HTX Dũng Luật ở huyện Lệ Thủy sản xuất gần một năm qua. Theo anh Trần Văn Hòa, phụ trách xưởng sản xuất củi trấu, ý tưởng về nhiên liệu củi trấu đã được HTX manh nha từ lâu, bởi Lệ Thủy là “vựa lúa” của tỉnh, cơ sở xay xát nhiều nên lượng vỏ trấu vứt bỏ là rất lớn, trong khi đó, nhu cầu về chất đốt của bà con và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng cao.

Trước thực trạng trên, HTX Làng nghề Dũng Luật đã chủ động đầu tư 4 máy sản xuất củi trấu và xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho chứa hàng, đường điện… với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 1,5 tỷ đồng ở vùng cát Ngư Thủy Bắc để sản xuất củi trấu. Nguồn nhiên liệu vỏ trấu được thu mua từ các nhà máy xay xát với giá thành 400.000 đồng/tấn (chủ yếu là kinh phí vận chuyển, nhân công), tiếp đó, vỏ trấu được đưa về xưởng và bắt đầu đưa vào sản xuất, với năng suất 1 máy/1 ngày/1 tấn thành phẩm củi trấu, giá bán từ 1.100-1.500 đồng/kg.

Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất trên 100 tấn củi trấu thành phẩm, thu về 120-150 triệu đồng/tháng, trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng. Mặc dù là sản phẩm khá mới lạ với không ít người, nhưng theo anh Hòa, đầu ra và giá thành của sản phẩm củi trấu khá ổn định, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đấy, chủ yếu là cung cấp cho Công ty Bia Hà Nội và một số cơ sở sản xuất may mặc, nước giải khát nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Bia Hà Nội – Quảng Bình, ông cho biết, với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn (dầu DO, FO, than đá…), tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Do vậy, sử dụng năng lượng sinh khối từ nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm từ vỏ trấu được xem là nguồn năng lượng mới giàu tiềm năng.

Thực tế, cách đây 2 năm, Công ty đã bắt đầu chuyển sang dùng củi trấu làm chất đốt, ban đầu tỷ lệ 30% củi trấu, sau tăng dần lên, bây giờ đốt hoàn toàn 3 lò hơi bằng củi trấu; bình quân Công ty sử dụng 350-400 tấn củi trấu/tháng. Ông Tuấn còn cho biết thêm, trước đây, Công ty dùng nguyên liệu than đá thì mỗi năm tốn hết 8 tỷ đồng tiền chất đốt, nhưng bây giờ chỉ tốn khoảng 5,5 tỷ đồng, năm 2012 tiết kiệm được 2 tỷ đồng, riêng năm 2013 đã tiết kiệm được khoảng 2,5 tỷ đồng tiền chất đốt. Điều quan trọng là từ khi chuyển sang dùng củi trấu, môi trường trong không gian lò hơi đã bớt khói bụi và ô nhiễm hơn so với khi dùng than đá…

Triển vọng “hái ra tiền” từ củi trấu…

Là tỉnh nông nghiệp, diện tích trồng lúa mỗi năm trên 53.600 ha, sản lượng lúa năm 2012 đạt 259.800 tấn, năm 2013 trên 252.000 tấn, nếu xay xát sẽ thu được từ 50.000-52.000 tấn vỏ trấu. Đây được xem là tiềm năng “hái ra tiền” nếu được người nông dân tỉnh ta quan tâm đúng mức đến việc đầu tư công nghệ xử lý để biến trấu thành củi trấu ép, thay vì vứt bỏ hoặc đun nấu thông thường.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Tưởng, cố vấn hợp phần Năng lượng tái tạo- dự án “Gieo hạt giống thay đổi: Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu thông qua mô hình sản xuất lúa gạo bền vững” của tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), việc thiếu hụt thông tin về công nghệ và nhu cầu củi trấu ép được xem là rào cản lớn cho các xưởng xay xát lúa trong việc đầu tư máy móc để sản xuất củi trấu ép, đồng thời các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng sẽ hạn chế cơ hội được sử dụng nhiên liệu “sạch” với chi phí hợp lý nhằm thay thế cho các loại nhiên liệu truyền thống có giá thành cao như than, dầu…

Chính vì vậy, việc giới thiệu về máy ép củi trấu, sản phẩm củi trấu ép và sử dụng củi trấu ép cho lò hơi công nghiệp được SNV tổ chức tại thành phố Đồng Hới đầu tháng 11-2013 được xem là giải pháp công nghệ và lợi ích về kinh tế, môi trường cho nông dân tỉnh ta, đồng thời mở ra triển vọng “hái ra tiền” từ củi trấu, bởi theo đánh giá, sản phẩm củi trấu có mùi hương của lúa, ít khói và lâu tàn hơn so với các loại than, củi bình thường; đặc biệt sử dụng sản phẩm củi trấu sẽ giảm 50% chi phí so với các nguồn nguyên liệu khác trong sản xuất công nghiệp do giá thành rẻ, hiệu suất sử dụng cao.

Ông Tiến, một chủ cơ sở sản xay xát ở phường Bắc Lý (Đồng Hới) cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông xay xát khoảng 18-20 tấn lúa, thu được 4-5 tấn trấu/ngày. Số vỏ trấu này, ông bán cho một cơ sở sản xuất củi trấu ép ở khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới với giá 10 triệu đồng/năm. Sau khi được tham dự hội thảo giới thiệu về công nghệ ép củi trấu, ông Tiến rất hào hứng với sản phẩm củi trấu, bởi tính ra, nếu đầu tư máy móc để sản xuất có thể thu được lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm từ lượng vỏ trấu hàng ngày cơ sở xay xát của ông thải ra. Tuy nhiên, nếu đầu tư khoảng 3 máy ép vỏ trấu, đồng thời hoàn thiện toàn bộ hệ thống máy móc thì cũng phải mất chừng 1 tỷ đồng, là một số tiền khá lớn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân ông cũng thấy rất khó khăn để đầu tư.

Theo những nghiên cứu về củi trấu cho thấy, về mặt kinh tế, sử dụng củi trấu giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại chất đốt khác từ than, củi hoặc gas, bởi giá củi trấu chỉ khoảng 1.500 đồng/kg. Không chỉ thế, đây thực sự là sản phẩm năng lượng “sạch”, bởi nó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn…

Ngọc Lan-Báo Quảng Bình

Xem thêm

Nông nghiệp thông minh ‘made by’ sinh viên

Từ cuộc sống, các bạn trẻ nhận thấy nhu cầu về sử dụng thực phẩm …

Phương pháp mới giúp tăng năng suất cây trồng không cần dựa vào biến đổi gen hay thuốc trừ sâu

Một loại vi khuẩn tương tự như vi khuẩn trong dạ dày của con người …