Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Cách chăm sóc vườn sầu riêng

Cách chăm sóc vườn sầu riêng

Chăm sóc vườn sầu riêng tuy công việc không có tính cập nhật mà mọi việc làm đều có định kỳ nhưng đòi hỏi người có hiểu biết về kỹ thuật và trồng trọt giống cây ăn trái này mới đảm trách tốt được công việc. Việc chăm sóc vườn sầu riêng thường có những việc phải làm sau đây.

– Vét mương rãnh:

Đầu và cuối mùa mưa nên bỏ công nạo vét toàn bộ mương rãnh trong vườn cây. Đất bùn được vét lên được be cao dọc theo bờ mương, phần dư ra bồi đắp lên liếp để đọn cao mặt liếp thêm lên.

– Xới đất quanh gốc:

Hàng quí nên dùng cuốc nhỏ (cuốc chim) xới bâm lớp đất mặt quanh gốc sầu riêng, với đường bán kính từ 0,5m đến 2m tính từ gốc cây trở ra, tùy cây còn nhỏ hay cây đã lớn. chỉ nên cuốc sâu độ 10cm là vừa vì như vậy sẽ không làm tổn thương đến bộ rễ. Lợi ích của việc xới đất này là giúp tầng đất mặt được tơi xốp, thông thoáng, bộ rễ bên dưới được nhiều oxy hơn.

– Bài trừ cỏ dại:

Vườn cây ăn trái là nơi đất đai màu mỡ và quanh năm đều có ẩm độ lý tưởng giúp cỏ dại phát triển mạnh. Cỏ dại tranh ăn chất dinh dưỡng với cây trồng nên phải bài trừ theo định kỳ hàng tháng, hàng quý.

– Tỉa bớt những cành nhỏ:

Chỉ những cành lớn của sầu riêng mới ra hoa đậu trái, vì vậy nên tỉa bỏ bớt những cành nhỏ mọc rườm rà đễ giúp tán là được thông thoáng hơn, giúp cây sinh trưởng tốt hơn.

– Tỉa bỏ bớt hoa:

Sầu riêng ra rất nhiều hoa, ta cần chọn lọc tỉa bớt

Đến mùa, sầu riêng rất nhiều hoa, hoa chi chít mọc ra từ nách các cành lớn thành từng chùm đến vài ba mươi cái khiến ai nhìn cũng ham. Thế nhưng, không phải tất cả các hoa này đều có khả năng kết thành trái cả, mà đa số thường bị rụng vì nhiều lý do như khô hạn, không được thụ phấn hoặc do cây không đủ sức nuôi hết. Do lẽ đó mà nhiều nhà vườn trồng sầu riêng lâu năm nhiều kinh nghiệm khuyên nên tỉa bỏ bớt một số lớn hoa này để giúp các hoa còn lại tăng trưởng mạnh hơn và có khả năng đậu trái tốt hơn. Những hoa cần được tỉa bỏ bớt là những hoa đèo đẹt, mọc quá khít nhau hoặc mọc ở tận đầu cành. Thời điểm để tỉa bỏ bớt những hoa không đạt chuẩn này bắt đầu từ lúc hoa mới bằng lóng tay út, nghĩa là sau khi chúng xuất hiện mới được ba bốn tuần lễ. Mỗi chùm lớn vài ba chục hoa mà tỉa bỏ bớt mươi cái nhỏ đẹt cũng không có gì đáng lo, trái lại còn giúp số hoa còn lại trên cây dễ thụ phấn hơn.

– Tỉa bỏ bớt trái non:

Có nhiều người chờ khi hoa đã thụ phấn, ra trái non thì đó mới tỉa bớt trái, chứ không tỉa hoa từ trước. Đó là do họ quá lo xa và như vậy đôi khi hỏng việc. Thực tế cho thấy mỗi chùm hoa sầu riêng vài chục trái như vậy cuối cùng cũng chỉ còn lại ba bốn trái đạt chuẩn là cùng. Vì trong quá trình lớn dần, nhiều trái trong chùm sẽ bị chết yểu, từ lúc mới bằng hạt mít, bằng trứng gà, có khi còn hơn cả nắm tay. Vì lẽ đó, nhiều nhà vườn có kinh nghiệm khuyên nên tỉa bỏ bớt những trái non đèo đẹt, trái mọc chen khít nhau, trái mọc ngoài ngọn, trái bị sâu bệnh… Việc tỉa bỏ này cần tiến hành thành nhiều đợt: đợt đầu khi trái vừa nhỉnh bằng hạt mít, đợt hai khi trái lớn bằng quả trứng gà và đợt ba khi trái lớn bằng nắm tay… Phải ước tính sao để mỗi cây chỉ “kham” nổi một lượng trái nào đó mà thôi, vì nếu ham hố để cho cây trũi nặng quá nhiều trái thì cành sẽ gãy khi gặp gió lớn…

Cần tỉa bớt trái sầu riêng để cây không trĩu nặng dễ gãy nhánh
Cần tỉa bớt trái sầu riêng để cây không trĩu nặng dễ gãy nhánh

– Phải chống cành:

Thường những cây sầu riêng mới cho trái được ba bốn mùa, cây còn tơ nhưng lại sai trái và trái to nên các cành dễ bị gãy khi gặp gió lớn. Để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra này, cách tốt nhất là dùng cây chống đỡ cho các cành trũi trái này. Cây dùng chống đỡ như tre già, cừ tràm và phải chọn những cây cứng, chắc, chịu lực giỏi.

– Tưới nước trong giai đoạn cây có trái:

Đất trồng sầu riêng cần phải có ẩm độ quanh năm. Trong giai đoạn cây đang trũi trái trên cành mà thiếu nước tưới thì trái non sẽ rụng, trái già lại chín sớm, điều này có hại cho sự sinh trưởng của cây, của trái, không những chỉ năm này mà còn di hại cho các năm sau.

Nguồn : Trồng cây giống tốt – KS. Nguyễn Việt Thái

Xem thêm

Kinh nghiệm cách trồng sầu riêng (phần 4)

Trong phần 4 của kinh nghiệm cách trồng sầu riêng xin chia sẻ đến đọc giả chủ đề :ảnh hưởng của lá đến sự ra hoa đậu trái, năng xuất và sức khỏe trên sầu riêng. Có 1 đúc kết rất hay từ những người đi trước : Giữ được lá tất thắng, để mất lá tất bại

Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng (Phần 3)

Sâu bệnh hại cây sầu riêng là phần đau đầu nhất của nhà nông khi trồng loại cây ăn trái này. Vì vậy tiếp tục trong loại bài chia sẻ "kinh nghiệm cách trồng sầu riêng " không thể thiếu phần chia sẻ kinh nghiệm trong việc trị và phòng ngừa sâu bệnh hại cây sầu riêng.