Trang chủ / Tin tức tổng hợp / Thật giả sâm Ngọc Linh

Thật giả sâm Ngọc Linh

Sức khỏe là vàng, vì thế thảo dược quý tốt cho sức khỏe luôn được người dùng săn lùng. Sâm ngọc linh chính là một trong số thảo dược đó. Khi mà cung vượt quá cầu, thì việc cung cấp sâm ngọc linh giả cũng là điều dễ hiểu. Hãy xem các phóng viên  cung cấp cho chúng ta những sự thật gì nhé.
Sâm Ngọc Linh
Cây Sâm Ngọc Linh
Củ sâm Ngọc Linh
Củ sâm Ngọc Linh
1. Sâm Ngọc Linh giả và hoạ tiền mất tật mang 
Vào trang tìm kiếm trên Internet gõ cụm từ khoá: Mua bán sâm Ngọc Linh chúng ta dễ dàng gặp hàng trăm địa chỉ giới thiệu bán loại sâm quý này. Hà Nội có, Tp. Hồ Chí Minh, miền Trung, Tây Nguyên.. đâu đâu cũng có. Tất cả những người rao bán trên mạng ai cũng khẳng định mình bán sâm thật, bày cách phận biệt sâm thật, sâm giả. Ai cũng khoe mình mua được sâm thật, nhưng sâm thật lấy ở đâu ra?
Suốt thời gian qua, nhiều người vì có nhu cầu đối với loại dược liệu này phải lâm cảnh tiền mất tật mang. Chị Đinh Thị Nguyệt, ở Pleiku (Gia Lai) nhờ người mua hộ gần 1kg sâm Ngọc Linh để biếu người thân hết 18 triệu đồng. Nhưng khi gửi biếu cho người thân ở Hà Nội, họ ngay lập tức trả về với lời trách móc “Không tặng thì thôi, chứ đừng tặng sâm giả!?”. Khiến mối quan hệ của chị Nguyệt bị đổ vỡ.
Năm 2012 chị Hoàng Thị Thanh Xuân ở phường An Phú quận 2 TP. Hồ Chí Minh có chuyến công tác lên Kon Tum. Người lái xe taxi sau khi thao thao giới thiệu các loại ẩm thực và đặc sản Tây Nguyên cuối cùng kết luận:  Nếu mua đặc sản, đáng giá nhất chỉ có sâm Ngọc Linh.
Nghe sâm Ngọc Linh đã lâu, nay nghe giới thiệu, chị Xuân càng háo hức. Người lái xe đưa chị đi sâu vào một bản làng thuộc huyện Đăk Glei cách chân núi Ngọc Linh vài chục cây số. Đây là nơi duy nhất trên thế giới có loài sâm quý giá này sinh sống, nên gọi sâm Ngọc Linh là vậy.
Chủ nhà là một người đàn ông người Xê-đăng, nói không rành tiếng Kinh. Ông ta đưa ra một gùi nhỏ có chứa củ sâm. Ông nói tại thành phố Kon Tum loại sâm này có giá trung bình 40 triệu đồng/kg là người mua đi bán lại, ở đây ông đi đào được chỉ bán 25 triệu đồng.
Mừng vì mua hàng tận gốc, chắc chắn thật, chị lấy ngay 1 ký và còn thưởng cho người lái xe 500 ngàn đồng. Sau khi mang về nhà ngâm rượu, mấy tháng sau lấy uống thì rượu có vị chát đắng, cay sè, nóng rát. Vừa nuốt xuống, cổ họng chồng chị bị ngứa không chịu nổi. Trong ruột lại cồn cào khó chịu. Hoảng quá, chồng chị ngay trong đêm đến bác sĩ. Thì ra, họ đã bị quả lừa, mua phải sâm Ngọc Linh giả là củ rấy rừng!
Theo tìm hiểu của các phóng viên, từ năm 2010 trong quá trình điều tra 2 vụ trộm gần 1.600 gốc sâm Ngọc Linh của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Tum, Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả. Công an Kon Tum đã tạm giữ hành chính đối với ông Nguyễn Đình Ký trú tại thôn Măng Đen, xã Đắc Long, huyện Kon Plông, Kon Tum, khi ông đang tiêu thụ khoảng 2kg sâm Ngọc Linh giả với giá 4 triệu đồng/kg.
Ông Ký khai đã mua số sâm này của ông Hồ Văn Hùng trú tại 230 Hùng Vương, TP.Kon Tum. Ông Hùng nói là mua của bà Hà Thị Tố Nga trú tại khối 7, thị trấn Đắc Tô, Kon Tum. Còn bà Nga thì nói số sâm đó do một phụ nữ tên Bình ở ngoài Bắc cung cấp…
Những người mua bán sâm Ngọc Linh khắp các nơi đều cho rằng mình bán sâm Ngọc Linh thật. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của các phóng viên, một người sau khi từ giã việc mua bán sâm giả này tiết lộ: Trên thị trường hiện nay 99,9% đều không phải sâm Ngọc Linh mà là Tam thất Vũ Điệp! Đây là loại cây rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Vân Nam Trung Quốc và chỉ có giá khoảng 800.000đ/kg, người nào muốn mua chỉ cần gọi điện, đặt hàng là người ta gởi cả tấn theo xe đò mang vào. Tam Thất cùng họ với sâm Ngọc Linh, về củ, hoa, lá và trong thành phần củ này cũng có một số hoạt chất giống sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên Tam thất Vũ Điệp mỗi năm tăng trưởng từ 7-10 đốt, trong khi sâm Ngọc Linh chỉ tăng 1 đốt. Ở nơi xuất phát chẳng ai tin dùng nhưng khi đưa vào Tây Nguyên, Tam thất Vũ Điệp nghiễm nhiên trở thành sâm Ngọc Linh được bán đủ giá. Rẻ thì vài triệu đồng/kg, trước đây khi chưa được nhận diện, có người bán với giá 30-50 triệu đồng/kg. Những ngày giáp tết Nguyên Đán do nhu cầu mua làm quà ra Thủ đô biếu xén, có người đã phải mua với giá 70 triệu đồng/kg.
Hiện nay, không một gia đình người đồng bào nào ở Kon Tum hay Quảng Nam có thể tìm được 1kg sâm Ngọc Linh tự nhiên/năm. Giỏi lắm họ chỉ tìm được năm ba củ, vài lạng trong những lần xuyên rừng gặp may. Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh là loài mà chuột và nhiều loại thú gặm nhấm ở rừng rất nghiện, vì thế, chúng sẽ không bỏ qua trước khi con người tìm thấy!
Trong khi đó, trồng sâm Ngọc Linh để khai thác được cần từ 10 năm trở lên. Hiện nay ở Kon Tum có 2 cơ sở trồng sâm là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng khoảng 150 ha và Cty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô trồng 8 ha. Cả 2 đều đang nhân giống, chưa đến giai đoạn thu hoạch. Người dân ở Kon Tum hay Quảng Nam trồng sâm cũng chỉ là manh mún rải rác, chưa thành thương phẩm như những người bán sâm đại trà ba hoa.

 Nếu như chục năm trước việc tìm mua một vài kg sâm Ngọc Linh là hết sức khó bởi không có nguồn thì hiện nay, dù ở bất kỳ đâu, từ Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay Tây Nguyên đều dễ dàng mua được sâm Ngọc Linh… Nhiều người bán sẵn sàng mang sâm Ngọc Linh đến tận nhà để bán.

Vì sao nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên cạn kiệt, sâm trồng chưa có trên thị trường mà muốn cần mua bao nhiêu sâm cũng có như vậy?
2. Thật giả lẫn lộn 
Năm 1973 khi “cây thuốc giấu” của người Xê Đăng được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện trên dãy Ngọc Linh, núi cao thứ 2 ở nước ta và cao nhất Trường Sơn, loài đốt trúc nhân sâm này nhanh chóng được loan truyền ra ngoài cộng đồng người Xê Đăng.
Tại Kon Tum một thời người ta khai thác sâm này như khai thác cá biển. Người người đào sâm nấu nước uống, bán, đổi rau, đổi muối.
Công dụng sâm Ngọc Linh chắc ai quan tâm đều đã biết: Bồi bổ sức khoẻ, kéo dài sự tươi trẻ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường sinh lực phái mạnh…Hơn 50 luận án tiến sĩ lấy sâm Ngọc Linh làm đối tượng nghiên cứu. Loài sâm này được xếp trên cả sâm Cao Ly.
Qua xác thực, khả năng kháng ung thư của sâm Ngọc Linh là rất tốt. Một trường hợp u não giai đoạn 3, sau khi phẫu thuật ở bệnh viện Chợ Rẫy năm 2011, tiếp đến là nhiều lần xạ trị, trong thời gian đó sử dụng đều đặn mỗi ngày 1 lát sâm Ngọc Linh, đến nay đã hơn 2 năm, sức khoẻ của bệnh nhân này vẫn bình thường, đi lao động hàng ngày. Một trường hợp khác ở Kon Tum bị ung thư vú, sau khi phẫu thuật và xạ trị, mặc dù đã lớn tuổi nhưng sức khoẻ của chị rất tốt nhờ sử dụng đều đặn sâm Ngọc Linh từ nhiều năm qua.
Từ chục năm nay nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên cạn kiệt, sâm giả len lỏi và thay thế dần. Trước năm 2009, những thứ giả sâm Ngọc Linh gồm rất nhiều loại gồm củ Ráy, Tam thất hoang, Tam thất Vũ Điệp…  Họ dùng sâm thật giã nhuyễn ngâm với sâm giả, nên một số người không biết, nhắm khẩu vị thấy đắng, ngót ngọt cứ tưởng sâm Ngọc Linh thật. Đầu năm 2010 sâm giả bùng lên, dân buôn sâm cho rằng do lũ lớn, núi lỡ cả mảng rừng sâm trôi xuống họ vớt được như vớt gỗ. Có người thấy rẻ mua cả chục kg phơi khô.  Khi bị báo chí phanh phui, giờ sâm giả dần tinh vi, khó phân biệt.
Ở Gia Lai, Kon Tum hiện nay nhiều người thường dùng sâm Ngọc Linh để làm quà biếu cho quan khách, bạn bè.  Hầu hết họ bỏ ra tiền thật  lớn để mua đồ dỏm mà không biết. Cũng có người biết không phải sâm Ngọc Linh thật nhưng vì áp lực quà biếu từ Hà Nội nên vẫn mua. Giá cả vô chừng, hai ba chục triệu/kg cũng có, năm ba triệu/kg cũng xong, tuỳ  “đường dây”. Những kẻ buôn sâm siêu lợi nhuận, bởi giá mua vào chỉ 800.000đ/kg.
Lâu nay chúng ta quen gọi củ sâm, thực chất đó là thân cây sâm Ngọc Linh, chứ không phải củ nằm dưới đất như củ nghệ, củ gừng…Khi hạt sâm Ngọc Linh rơi xuống đất mọc lên, có gốc nhưng bộ phận gốc này không lớn lên hàng năm thành củ mà như người tiêu dùng nhìn thấy mà phần gốc này nuôi thân cây phát triển. Mùa xuân đâm chồi nảy lộc, cây sâm Ngọc Linh vươn cành nảy một đốt, ra lá ra hoa và đến mùa đông cây rụi lá. Cái đốt do cành mọc ra năm trước nằm trên mặt đất, cứ lớn dần qua chục năm thành chục đốt. Chúng ta khai thác thân này để sử dụng, nghĩa là khai thác phần thân cây sâm tích luỹ qua các năm.
Do thân sâm nằm trên mặt đất ở rừng rậm, cành khô lá mục nhiều, cùng với nước mưa đưa đất vùi lấp bồi lắng nên giống như thân sâm nằm dưới đất nên quen gọi củ sâm là vậy. Nhiều người bán sâm giả vùi củ dưới đất đỏ cho rằng mình mới đào lên là hoàn toàn lừa đảo.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum khẳng định: “Hiện nay sâm Ngọc Linh thật không có bán trên thị trường. Do chính quyền không giao trách nhiệm quản lý loại cây này cho Sở Khoa học – Công nghệ nên bà không có chức năng kiểm tra, kiểm định chất lượng những thứ được cho là sâm Ngọc Linh thật hay giả đang bày bán khắp nơi!?
Hiện nay loại sâm Ngọc Linh do các cá nhân và doanh nghiệp trồng người ta sử dụng mùn đất để phủ lên gốc sâm Ngọc Linh để bảo vệ phần thân, rễ nằm dưới đất. Vì thế một số củ sâm Ngọc Linh có gốc phình to, nhiều nhánh rất nhiều rễ, rất khác với củ Tam thất. Sâm Ngọc Linh thật, do trồng phải gắn với phần gốc này.
3.Nỗ lực bảo tồn sâm Ngọc Linh
Cây giống Sâm Ngọc Linh
Cây giống Sâm Ngọc Linh

Từ năm 1995 khi cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên đứng trước nguy cơ cạn kiệt, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cùng Bộ Y tế đặt vấn đề, trồng sâm để duy trì nguồn gien và phát triển thương mại. Lâm trường Đăk Tô (nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) Kon Tum lãnh ấn tiên phong trồng sâm Ngọc Linh. Gần 20 năm trôi qua, doanh nghiệp này loay hoay với diện tích 8 ha sâm. Song trên thực tế, mật độ đậm đặc và chất lượng của vườn sâm này có như kỳ vọng hay không là vấn đề cần bàn.

Đầu tháng 10/2013 Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, vườn ươm sâm giống ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông của Trung tâm Giống Sâm Ngọc Linh (thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô) đang xuất hiện bệnh thối củ sâm khiến hơn 8 ha sâm Ngọc Linh của đơn vị này đứng trước nguy cơ bị dịch nghiêm trọng.
Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật Kon Tum đã tiến hành kiểm tra, lấy mẩu phẩm gửi giám định để xác định nguyên nhân bệnh; đồng thời hướng dẫn các biện pháp trước mắt xử lý tạm thời sâu hại trên cây sâm Ngọc Linh, khiến nhiều người quan tâm hết sức lo lắng.
Hiện nay một số người dân tộc thiểu số ở Kon Tum và Quảng Nam đã trồng và có thu hoạch từ sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên đa số là sâm này chỉ là những vườn manh mún, diện tích nhỏ, công tác bảo quản hết sức khó nghiêm ngặt nên sản phẩm không có nhiều. Hiện tại nhu cầu hạt sâm nhân giống rất lớn nên người trồng sâm ít khai thác củ, chỉ để thu hoạch hạt, nhân giống vì hiện tại sâm cây con giá rất cao.
Nguồn : Báo điện tử Tầm nhìn

Xem thêm

Lợi ích tuyệt vời của các loại rau củ quả màu trắng và nâu

Thường thì trẻ con rất sợ ăn rau quả nhất là màu xanh nhưng hôm …

Thiếu chất này bạn thường xuyên mệt mỏi và dễ gãy xương

Nhiều người khi nhắc đến xương thì hay nghĩ đến Canxi nhưng ít người biết …

1 bình luận

  1. Toi o Kon Tum nam 1971 den nam 1972 chua bao gio nghe Den Ten loai Sam Ngoc Linh,Ong Duoc si ten Dao kim long cung khg Co Vi Toi lam viec Tai Benh vien 2 Da chien cua Quan luc Mien Nam khg co Duoc si nao Ten nay ke ca Ben Dan Y .nhu vay sam Ngoc Linh chi ,oi phat hien vao khoang nam 1983 Chu khg phai nam 1973./