Trang chủ / Tin tức tổng hợp / Cây sanh “chứng tích lịch sử” của một bạo chúa

Cây sanh “chứng tích lịch sử” của một bạo chúa

Được biết, ngôi nhà nơi cây sanh đang tọa lạc trước đây là ngôi nhà rường cổ của Ngô Đình Cẩn. Nói về những thú tiêu khiển của “bạo chúa”, nhiều giáo dân cao niên sống trong vùng họ đạo Phú Cam kể rằng: Ngoài thú vui câu cá, chọi gà thì việc chơi bonsai, cây cảnh cũng khiến Cẩn mê mẩn. Để có được cây sanh với thế cực kỳ đặc sắc như bây giờ, lúc sinh thời, một tay “bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn kỳ công dựng nên. Chính vì yếu tố lịch sử ấy mà ngay từ những năm 90 của thế ký trước, nhiều đại gia và cả những dân chơi bonsai chuyên nghiệp vẫn thường ghé qua kỳ nèo gia đình ông Sự để mua được cây sanh.

Ông Sự bảo: “Khách hỏi mua cây sanh này đến ở khắp mọi nơi. Lại có người mang theo cả chuyên gia giám định thế cây, dáng cây, rễ cây và tuổi đời của cây lận lưng ba bốn chục cây vàng đến hỏi mua, nhưng tôi vẫn từ chối”.  Những năm 2010 – 2011, khi cả nước rốt ráo chuẩn bị đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cây sanh của gia đình ông Sự lại “sốt” hơn bao giờ hết. Có những ngày lượng người kéo đến cả trăm. Có người chỉ tới để thưởng thức, chiêm ngưỡng lại có nhiều kẻ thi nhau đấu giá cây sanh của ông Sự. Đỉnh điểm có vị đại gia trả giá cây sanh của vợ chồng ông lên đến 14 tỷ. Mọi người cho rằng ông là người gàn dở, khi từ chối số tiền khổng lồ chỉ để khư khư giữ lấy cái cây. Chính sự “gàn dở” của chủ nhân khiến cho cây sanh của Ngô Đình Cẩn ngày càng có giá trị.

cây sanh
Nét xa xăm và cô tịch của cây sanh được tạo nên do những cành cổ mộc mọc rải rác trên đá và trải dài trên hòn non bộ

Ông Sự cho biết, sau ngày giải phóng, ông được tiếp quản lô đất của quân khu 4 cấp cho hai vợ chồng ông là những người bộ đội trong cuộc kháng chiến. Mặc dù, có tiếng là dinh thự của Ngô Đình Cẩn, trải qua nhiều biến cố nên khi gia đình ông tiếp quản mảnh đất đã hoang tàn, chỉ còn cây sanh mang một vẻ hoang dã, nguyên sơ. Thời bấy giờ, gia đình ông Sự được cấp 300m2, trong khi vị trí của cây sanh án ngữ gần như ở trung tâm nên việc xây dựng một căn nhà với thế đẹp bị cản trở rất nhiều. Cương quyết giữ lại cây sanh, ông Sự cất một căn nhà cấp 4 nhỏ nằm kế một bên.

Thấy ông khư khư giữ lại dù hoàn cảnh kinh tế thời ấy còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dè bỉu “Cơm chưa đủ ăn, mặc chưa đủ ấm còn bày đặt chơi cây cảnh”. Nhưng ai hiểu hết được tâm sự trong lòng ông Sự: “Là người đã trải qua cuộc chiến ác liệt, tôi hiểu rõ giá trị lịch sử, Cẩn dù là “bạo chúa”, nhưng những gì liên quan đến lịch sử thì nên giữ gìn và công nhận những giá trị một cách khách quan”. Ông Sự tâm sự: “Nhiều người tới đây chỉ nhòm ngó cây sanh mà không hiểu được rằng bản thân cây Sanh gắn liền với hòn non bộ như một đất nước núi sông không thể cách ngăn. Hòn non bộ có 4 góc tượng trưng cho 4 con vật Long, Ly, Quy, Phượng nên ý niệm tâm linh rất lớn. Cây và hồ đã gắn bó với nhau suốt trăm năm không thể vì lợi riêng mà tách chúng ra được, Với Tôi hòn non bộ và cây sanh là vô giá cũng như  đất nước này làm sao có thể nói đến chuyện mua bán, đổi trao… Hơn nữa, chúng tôi chỉ là những người đến sau may mắn được ông trời “ban” nên gắng sức giữ gìn”.

Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu đến tìm ông để xin tìm hiểu về lối kiến trúc cũng như tuổi thật của cây sanh và hòn non bộ lịch sử này. Đối với gia đình ông Lê Đình Sự, cây sanh có ý nghĩa hơn là một thứ đồ trang trí, đó còn là “người bạn” tri giao, động lực để ông phấn đấu. Những ngày hòa bình lập lại, gia đình ông ăn bữa trưa lo chạy bữa tối, tất tả ngược xuôi mà không khấm khá được. Một hôm, vợ ông đi xem bói được thầy phán rằng “Cây sanh là phước lộc của nhà, trời ban nên giữ lại”.

Nghe vậy, ông Sự ra đứng trầm ngâm trước cây sanh mấy tiếng đồng hồ, rồi ông đưa ra một quyết định táo bạo, Ông tạm biệt bà, mang theo 3 người con trai lớn lên vùng núi cao Bình Trường, H. Hương Trà lên rừng khai hoang, phục hóa trồng cây. Tới nay, ông Sự là chủ của trang trại gồm 32ha rừng Tràm, với hồ cá và hàng chục con dê, gà, trâu…Ông là một tấm gương sáng về cựu binh làm kinh tế, là người tiên phong áp dụng trồng cây keo mô thay cho cây keo tai tượng để nâng cao giá trị kinh tế. Ông sự nói thêm, “Ở đời giàu nghèo âu cũng là số phận, sau này vợ chồng tôi có già yếu thì tôi tin các con tôi sẽ theo truyền thống gia đình mà chăm non cây sanh như vợ chồng tôi đã làm trước đó…” .

                           Nguồn:  Báo Người đưa tin

Xem thêm

Nghệ nhân trồng bon sai săn tìm duối lùn ngày càng nhiều

Ngày càng nhiều nghệ nhân trồng bonsai chuyển hướng sang tìm những loại cây độc …

Vườn treo sân trước của cô Nga được ví như khu rừng hội tụ những loại hoa quý

Vườn trước cây cảnh, vườn sau trồng rau 30 m2 của cô giáo nghỉ hưu

Sở hữu một vườn cây cảnh, ngày ngày ngắm sắc xanh, tận hưởng hương của …