Trang chủ / Tin tức tổng hợp / Cách chế nước chè xanh

Cách chế nước chè xanh

Nước chè xanh, dân gian gọi là “nước chè tươi”, là thức uống thông dụng hàng ngày của người dân nhiều miền trên đất nước. Có người nghiện nước chè tươi đến mức:  “nhịn cơm thì được, chứ không thể nhịn nước chè tươi”…

cây cỏ vị thuốcCây chè xanh là chè hái lá, trồng dưới tán các cây to ăn quả trong vườn như mít, nhãn, vải… tránh xa các cây có độc như xoan, thàn mát… Cây thường được để độ cao khoảng 1 – 1,5m. Sản phẩm thu hoạch là lá chè bánh tẻ, thu hái quanh năm. Do đó, thành phần hóa học, tác dụng sinh học có chỗ khác với chè đồi hái búp

Cách chế nước chè xanh

Lá chè tươi chọn lấy lá bánh tẻ; bỏ lá già, lá sâu, lá dập nát, lá non và các tạp chất khác, rửa sạch.

Thông thường có 2 cách chế như sau:

Hãm chè trong ấm sứ: vò nát khoảng 100g lá chè rồi cho vào ấm sứ to (sức chứa 1lít nước). Rót nước vừa sôi (khoảng 100ml) vào ấm, đậy nắp ấm rồi lắc cho đều, sau đó rót bỏ hết nước tráng chè (nhằm mục đích loại bỏ nước lạnh và vi khuẩn). Rót nước sôi để hãm chè (đầy ấm), sau đó đặt ấm vào giỏ, đậy nắp ủ giữ ấm. Khoảng 15 phút sau là có nước chè ngon. Khi nước chè rót ra khoảng 100ml thì  cho thêm 100ml nước sôi vào (tổng lượng nước thêm không quá 500ml thì nước chè vẫn còn đặc, nhiều hơn sẽ nhạt). Nước chè hãm trong ấm sứ chỉ nên dùng trong ngày (từ 6 – 22 giờ) để qua đêm đến hôm sau dễ bị thiu.

Hãm chè trong nồi (hoặc soong, ấm kim loại to) để phục vụ nhiều người uống (hội nghị, đám  hiếu, hỷ..) 100g chè hãm với 3 – 5 lít nước sôi, đun sôi thêm 15 phút.

Người “nghiện chè tươi đặc” thường hãm khoảng 100g lá chè tươi trong ấm đồng nhỏ, dung tích khoảng 1 lít (cho chè mới vò nát vào nước sôi rồi đun sôi lại 10 phút) để tiện mang theo khi đi làm.

Thành phần hóa học và công  dụng  của chè xanh

Do điều kiện sinh thái, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên lá chè chứa nhiều L-theanin nhưng ít Polyphenol (L-theanin chuyển thành Polyphenol nhờ phản ứng quang hóa của ánh sáng mặt trời).

L-theanin là một acid amin tự do (trong số 17 acid amin của chè), tạo cho nước chè tươi có hương vị đặc biệt. Hàm lượng L-theanin trong lá chè tươi là 0,1 – 0,2% (1 – 2% tính theo lá chè khô kiệt).

Theo các nhà khoa học Nhật Bản: L-theanin có nhiều tác dụng quý như:   điều hòa tác dụng kích thích của caffein (vì vậy uống chè tươi không mất ngủ như uống cà phê); tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm trùng, nhiễm siêu vi như: cúm, herpes kể cả HIV); phòng chống ung thư; giảm nguy cơ sỏi mật, ung thư tuyến mật; chống phóng xạ; tăng tổng hợp Dopamin, Serotonin trong não, giảm kích thích, bớt căng thẳng thần kinh.

Trong lá chè tươi còn có các bioflavonoid có tác dụng: trung hòa các gốc tự do độc hại (sinh ra trong quá trình biến dưỡng của cơ thể và từ các chất độc hại của môi trường sống) do đó chống lão hóa tế bào, tăng tuổi thọ.  Ngăn ngừa sự oxy hóa các cholesterol xấu (LDL-C); tăng tỉ lệ cholesterol tốt (HDL-C); chống bệnh mỡ máu cao. Chống tạo thành các mảng vữa xơ trong mạch máu (là nguyên nhân gây tăng huyết áp và tai biến mạch máu não).

Có hoạt tính kháng sinh và có tác dụng hiệp đồng với một số kháng sinh khác đẩy nhanh tốc độ diệt vi khuẩn (công trình nghiên cứu tác dụng của nước chè xanh phối hợp với kháng sinh của tiến sĩ Mervat Kassem, Đại học Alexandria  Ai Cập, cho kết quả: phối hợp nước chè xanh với kháng sinh đẩy nhanh tốc độ diệt vi khuẩn với 28 loại vi khuẩn gây bệnh).

– Pectin 6,5% là chất xơ hòa tan có nhiều tác dụng quý như: chống táo bón, hạ đường/máu, hạ mỡ máu.

– Các catechin 2 – 5% (epigalo catechin 3 galat; epigalo catechin; epicatechin; catechin) là chất có lợi nhiều cho sức khỏe giúp phòng ngừa nhiều bệnh hiểm nghèo như: chống đột biến gen, ung thư, đái tháo đường, mỡ máu cao, huyết áp cao, Parkinson, viêm khớp…

– Caffein 1%, Theobromin, Theophylin: có tác dụng kích thích thần kinh, tăng sức làm việc trí óc và cơ bắp, lợi tiểu, kích thích ăn ngon, điều hòa nhịp tim.

Fluor có tác dụng làm bền men răng.

Người ta còn nhận thấy những người nghiện thuốc lào, thuốc lá, nếu thường xuyên uống nước chè xanh thì tỉ lệ ung thư phổi ít hơn người nghiện thuốc lá uống cà phê…

Chè xanh làm thuốc

Nước chè xanh còn được dùng

– Làm nước rửa vết thương, hoặc thấm vào gạc vô trùng đắp lên vết bỏng.

– Làm nước súc miệng khi có bệnh về răng, miệng như nhiệt miệng, sâu răng…

– Làm nước tắm: cho trẻ mới đẻ dùng 100g lá chè tươi/5lít nước. Đun sôi nước rồi  mới cho chè đã vò nát, đun sôi thêm 10 phút, để nguội hẳn còn 35 –  37oC, gạn nước trong để tắm cho trẻ.

– Pha vào nước tắm trong bồn cho người lớn (5 lít nước chè tươi pha trong 100 lít nước).

– Làm nước rửa cho vệ sinh phụ nữ…

– Xông hơi lá chè xanh ngày 3 lần: chữa viêm kết mạc cấp.

– Đắp lá chè xanh giã nát, chữa: ong đốt; đậu mùa; thủy đậu; lở loét; nẻ chân.

Kiêng kỵ

– Người đang dùng thuốc làm tan máu đông.

– Lúc bụng đói (nước chè xanh sẽ kích thích dạ dày, gây nôn dữ dội thường gọi là “say nước chè”).

– Uống nước chè quá đặc, quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến hấp thu sắt trong thức ăn và tăng thải trừ thiamin (vitamin B1).

DS. TRẦN XUÂN THUYẾT-SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG

Xem thêm

Những điều cần biết khi uống nước mát giải nhiệt

Mùa nắng nóng, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, dễ sinh mụt nhọt và các …

Chè xanh hạn chế tác dụng thuốc cao huyết áp

Từ lâu, chè xanh được xem là đồ uống có lợi cho sức khỏe con …