Trang chủ / Tin tức tổng hợp / Bảo vệ cây ăn trái mùa mưa lũ

Bảo vệ cây ăn trái mùa mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, tình hình mưa bão, lũ đang bước vào đỉnh điểm và diễn biến vô cùng phức tạp.

 cay an trai 2 sTrước thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân đồng thời bảo vệ sản xuất. Đến thời điểm này, công tác bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái lớn đã được các huyện phía Nam đẩy mạnh …

Châu Thành, Lai Vung là 2 địa phương có tỷ lệ diện tích cây ăn trái lớn của tỉnh. Nhằm đảm bảo cho cây trồng phát triển an toàn trong mùa lũ, hai địa phương đã đẩy mạnh gia cố đê bao, kiểm tra những chỗ xung yếu.

Trên địa bàn huyện Châu Thành có 88/168 ô bao được xây dựng hoàn chỉnh khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp. Riêng đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái trên toàn huyện là 30/42 ô bao, đạt trên 85% diện tích, với các sản phẩm chủ lực: nhãn, cam, chanh… Bên cạnh đó, vẫn còn 12 ô bao chưa được khép kín, với diện tích 380ha.

Ông Huỳnh Minh Phụng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho hay: “Đây là một trong những công tác trọng tâm mà ngành nông nghiệp đang thực hiện nhằm bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái, thu nhập của người nông dân. Ngay từ thời gian đầu, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao xung yếu, đồng thời hướng dẫn người dân gia cố những ô bao chưa được khép kín”.

Theo đánh giá của ông Phụng, thì diện tích vườn cây ăn trái trong ô bao hoàn toàn có thể “yên tâm” khi nước lũ về. Riêng những vườn chưa có thể khép kín, chủ yếu người dân tự gia cố làm bờ cũng không ảnh hưởng gì nhiều trong điều kiện nước lũ ở mức trung bình. Trừ khi gặp đỉnh lũ như năm 2011 và lớn hơn thì diện tích vườn cây ăn trái nằm ngoài đê bao mới bị ảnh hưởng.

Trên địa bàn huyện Lai Vung, sản phẩm chủ lực là cây quýt hồng, quýt đường, nhãn có diện tích lớn cũng được địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ. Theo ông Huỳnh Văn Tồn – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do đây là nguồn thu nhập lớn của người dân hàng năm nên họ rất chủ động phối hợp với các ngành chức năng bảo vệ diện tích cây ăn trái của mình.

Anh Lưu Văn Tín, xã Long Hậu cho hay: “Đây là công việc hàng năm nên tôi rất quan tâm nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Do diện tích vườn không nằm trong khu đê bao khép kín, nên trong giai đoạn này tôi tiến hành đắp các đoạn đê xung yếu, làm thông hệ thống đường nước, mua các trang thiết bị máy móc phục vụ việc bơm rút nước khi mưa dầm, lũ lớn tràn về, làm tốt công việc này nhằm tránh làm suy yếu cây, gây ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch”.

Theo thống kê, diện tích quýt hồng của huyện là trên 1.100ha được đê bao khép kín an toàn, diện tích quýt đường được khép kín khoảng trên 300/700ha. Ông Tồn cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang đẩy mạnh khâu gia cố đê bao. Với hệ thống đê bao hiện nay, vườn cây ăn trái địa phương có thể đảm bảo an toàn trong điều kiện tình hình mưa lũ. Đối với diện tích nằm ngoài khuôn viên đê bao khép kín, ngoài việc người dân cùng gia cố, đa phần diện tích này nằm trên các gò cao, nên việc ảnh hưởng do lũ không nhiều”.

Khó khăn chung hiện nay trong công tác bảo vệ vườn cây ăn trái của các địa phương vẫn là nguồn vốn chưa đáp ứng, đồng thời diện tích trồng manh mún dẫn đến khó có thể quy hoạch đê bao theo kiểu tập trung. Tuy nhiên, các địa phương cho rằng, trong điều kiện thích hợp sẽ tiến hành xây dựng đê bao cho các diện tích nhỏ lẻ và thực hiện khoanh vùng bơm tưới khi có những chuyển biến xấu xảy ra…

Theo Báo Đồng Tháp Online

Xem thêm

Những điểm lưu ý cho cây ăn trái miền núi sau thu hoạch

Hiện tại 1 số nhà vườn cây có múi đã tiến hành thu hoạch xong …

Ứng dụng axit humic và rong tảo để sản xuất hoạt chất kích thích sinh học

Ngày nay, các loại hoạt chất kích thích sinh học được sử dụng ngày càng …