Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Bon Sai / Tìm hiểu kiểng cổ Việt Nam – Phần 2

Tìm hiểu kiểng cổ Việt Nam – Phần 2

Ba  miền đất nước đều có một số loại hình kiểng cổ với các thế chung như Huynh đệ, Tỉ muội, Long  giáng, Long thăng, Sơn thủy…nhưng đặc  biệt ở miền Nam có một loại hình kiểng thế khác hẳn mà mỗi tàng, mỗi nhánh đều có tên gọi riêng, mang ý nghĩa riêng, có qui cách gò bó cụ thể…, được gọi là Kiểng cổ Nam bộ. Đó là loại kiểng chiết chi nhị diện, mang ý nghĩa giáo huấn theo Nho giáo, như Tam cang ngũ thường, Tam tòng tứ đức, Nhị thập tứ hiếu,…

Loại hình Kiểng cổ Nam bộ này không những để người làm ra nó tu sửa mình mà còn để nhắc nhở, răn dạy người nhìn ngắm, thưởng thức nó sống theo đạo lý thánh hiền của cha ông, nhằm chống lại văn hóa phương tây đang ồ ạt xâm nhập đời sống văn hóa xã hội lúc bấy giờ, nhất là khơi dậy lòng yêu nước, giữ đạo vua tôi… (qua các thế kiểng cổ Tam cang ngũ thường).

 1.Bộ kiểng cổ thế Tam cang ngũ thường

Bộ kiểng cổ Tam cang ngũ thường
Bộ kiểng cổ Tam cang ngũ thường

Ý nghĩa :

Tam cang là:quân thần can: đạo vua tôi.

Phu thê can : đạo vợ chồng

Phụ tử can : đạo cha con.

Ngũ thường : là 5 đức tính của kẻ nam nhi: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Dáng thế: bộ Tam cang ngũ thường đẹp phải có:

– Dáng tổng thể của cây ở trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình.

– Thân có gốc to, ngọn nhỏ (đầu voi đuôi chuột), ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu.

– Gốc cây mẫu (cây cao lớn) và gốc cây tử (cây thấp nhỏ) phải nghiêng 45o so với mặt đất và hợp với nhau một gốc 90o : ngụ ý các thành viên trong gia đình có thế đứng cân bằng trong xã hội, nền móng vững chắc của gia đình.

– Gốc của các tàng từ yểm tâm, ngưng sương đến tàng nghinh thiên phải nhiễu ngay thẳng tâm của gốc cây: thể hiện gia đình sống ngay thẳng, không lỗi đạo, không bao giờ mất gốc, luôn luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

– Tàng ngọn phải trực thiên, chữ “tín” của bậc trượng phu: bao giờ cũng hiên ngang, ngẩng cao đầu với xã hội, không luồn cúi mọi thế lực.

– Tàng ngọn cây tử phải ngang và thấp hơn hay bằng, không được cao hơn tàng nghinh phong của cây mẫu: thể hiện con cái luôn luôn vâng lời dạy dỗ của cha mẹ.

– Thân cây tử phải uốn thế giống thân cây mẫu từ đoạn trên tàng nghinh phong đến tàng ngọn : ngụ ý con cái trong gia đình là sản phẩm ưu tú của cha mẹ  thành viên gương mẫu của xã hội mai sau.

2. Tạo dáng kiểng cổ thế Tam cang ngũ thường

– Chọn cây : chọn cặp cây  mai chiếu thủy có gốc cong tương đồng- cắt ngang , chừa gốc cao cỡ 35cm bứng trồng.

– Trồng cây : chọn chỗ đất cao ráo trong vườn, đào hố vuông 50 x 50cm sâu 30cm. Đất trồng gồm phân chuồng hoai mục, tro trấu, đất ruộng hay vườn, đập nhỏ, trộn đều, Đặt cây ngay giữa hố trồng, gốc nghiêng 45o so với mặt đất . Cắm một cọc tre cao cỡ 1,8m đứng thẳng ngay tâm. Nòng sắt đặt nghiêng 45o song song với gốc cây, ngọn cây sắt cột áp sát ngọn tre ( cây sắt Φ 8, dài 2m, đã được uốn cong theo thế kiểng định sẵn).

3.Cắt tỉa tạo dáng kiểng cổ thế Tam cang ngũ thường

Sau khi cây đâm chồi, chọn lựa dưỡng 1 chồi ngay đỉnh cắt để làm ngọn, các chồi khác lặt bỏ.

Sáu tháng sau chồi ngọn đã khá lớn, cắt bỏ các nhánh đến đầu đoạn 2. Dùng dây mịn quấn đầu đoạn 2 theo nòng sắt, ngọn cây thả cho phát triển tự do, theo dõi để nới dây từng tháng cho thân cây đừng bị hằn, khuyết.

Một năm sau ngày trồng, lựa chọn một chồi  bên ngoài đầu đoạn 1để sửa tàng địa phủ. Tàng này cũng bó trong nòng sắt đã được uốn thế sẵn.

Sáu tháng sau (1 năm rưỡi kể từ ngày trồng) cắt bỏ ngọn  ngang đầu đoạn 2 ( cao 35cm hay 70cm cách mặt đất). Lập lại việc lựa chồi làm ngọn cho đoạn 3, quấn dây theo cây sắt. Trong thời gian này cũng chú ý tìm dưỡng chồi cây tử (cùng thời với đoạn 3 của cây mẫu).

Nửa năm sau khi cắt đầu đoạn 2 và lấy chồi dưỡng đoạn 3 thì bắt đầu chọn tược chuẩn bị cho tàng nghinh phong (cách uốn cũng giống như tàng địa phủ).

Một năm sau khi dưỡng đoạn 3 ở cây mẫu và đoạn 1 ở cây tử thì cắt bỏ đầu đoạn 3 cây mẫu và đầu đoạn 1 cây tử.

Phương pháp dưỡng đoạn 4 cây mẫu và đoạn 2 cây tử cũng lập lại như các đoạn trước.

Nửa năm sau cũng chọn tược cho tàng yểm tâm và tàng thứ 2 cho cây tử. Một năm sau cắt bỏ đầu đoạn 4 ở cây mẫu và đầu đoạn 2 cây tử. Phương pháp chọn tược và dưỡng cây cũng lập lại từng 6 tháng và lần lượt ta uốn cành 2 của cây tử và tàng ngưng sương ở cây mẫu. Một năm sau ta cắt bỏ đầu đoạn 4 của cây mẫu và đoạn 2 cây tử. Nửa năm sau ta sửa tàng nghinh thiên ở cây mẫu và tàng 3 cây tử.

4. Uốn tàng kiểng cổ thế Tam cang ngũ thường

Sau khi cắt ngọn nửa năm thường ta lại chọn tược để uốn tàng. Sau khi cho tược uốn quai nhạo (cong xuống rồi đưa lên cho đúng tầm, đúng khoảng cách) cho dài ra một đoạn thì bắt đầu cắt để tạo tàng (dĩa). Cắt chừa 2 mắt nằm ngang, sẽ có 4 tược đối nhau từng cặp. Khoảng một tháng sau cắt bỏ đầu 4 tược này, chỉ chừa lại mỗi tược một mắt. Mỗi mắt lại cho 2 tược. Rồi lại cắt bỏ đầu tược, chừa 1 mắt. Lần lượt các chi sẽ đẻ ra các tược theo cấp số nhân, Như thế sau một năm cắt tỉa tàng dĩa sẽ đầy .

Tàng ( dĩa) có thể cắt theo hình tròn, hình tim hay hình bán nguyệt. Thời gian để hoàn thành bộ kiểng Tam cang ngũ thường này là 4 năm rưỡi. Sau đó chọn chậu thích hợp để bứng trồng. Sau khoảng nửa năm, cây phát triển tốt thì tháo nòng sắt và cây tre. Tiếp tục cắt tỉa tu bổ để dưỡng bộ kiểng cổ ngày càng đẹp hơn.

Xem thêm

Nghệ nhân trồng bon sai săn tìm duối lùn ngày càng nhiều

Ngày càng nhiều nghệ nhân trồng bonsai chuyển hướng sang tìm những loại cây độc …

Nắm bắt được điều kiện sinh trưởng rất có lợi cho kỹ thuật trồng cây và chăm sóc cây cảnh bonsai. Ảnh minh họa

Cách trồng cây sung bonsai và chăm bón để ra quả

Cây sung là một cây trong tứ quý, được tin tưởng đem đến may mắn, …