Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cây sân vườn / Cây tre cứu tinh ở vùng rốn lũ

Cây tre cứu tinh ở vùng rốn lũ

Về với vùng rốn lũ những ngày sau cơn bão lịch sử, bà con nông dân ồ ạt rủ nhau trồng tre. Sau rất nhiều năm gần như bị bỏ rơi, giờ đây nhiều người mới ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của cây tre.

trong tre 1 nen

1. Cây tre cứu tinh ở vùng rốn lũ

 Cơn lũ dữ đã đi qua, nhưng cũng như nhiều người dân Quảng Ngãi, người dân ở vùng rốn lũ Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) không quên đêm kinh hoàng. Khi nước lũ từ thượng nguồn ào ào đổ về, họ không bấn loạn, người dân bình tĩnh dọn nhà cửa vì họ biết rằng những “thành lũy” vững chắc mà họ vun vén, gầy dựng trong nhiều năm sẽ không phụ công người chăm sóc.

 Ông Võ Văn Chính- Trưởng thôn Đồng Viên cho biết: “Lũ cuồn cuộn đổ về nhưng người dân chúng tôi vẫn kịp trở tay, dọn dẹp đồ đạc, lùa đàn gia súc đi chạy lũ còn nhà cửa lúc đó chỉ biết giao cho trời, nhưng may mắn là khi trở về nhà cửa vẫn không hề chi. Thấy trên tivi, sau cơn lũ nhà cửa người dân ở huyện Nghĩa Hành bùn đất tràn ngập nhưng ở đây mặc dù nhà ở sát sông Vệ nhưng không có bùn đất, rác rưới chi cả”.

 Dọc con đường đi qua các thôn Đông Mỹ,  Đồng Viên… nhiều cánh đồng trồng hoa Tết vẫn còn xanh mướt. Đang tỉ mẫn bón phân cho những chậu hoa cúc, chị Nguyễn Thị Tin ngụ thôn Đồng Viên phân trần: “Không có cái bờ tre này giữ thì 700 chậu cúc của nhà tôi cũng đã trôi theo dòng nước lũ. Sau khi nước rút tôi nhanh chóng dùng nước vệ sinh lại vườn hoa, chỉ khoảng 20 chục chậu bị héo chết, còn lại vẫn cứu vãn được”.

 trong tre 2 nenỞ đây nếu không có những bờ tre che chắn thì không tài nào sản xuất được từ làm lúa cho đến trồng hoa màu. Trước kia người dân cũng thường trồng thêm cây bạch đàn, dương liễu, nhưng những loại cây này không trụ nổi, chỉ còn mỗi cây tre là bám trụ được, mặc cho sức tàn phá của lũ mỗi năm một lớn.

 Trong khi Nhà nước chưa có đủ nguồn kinh phí để làm bờ kè chống xói lở dọc theo sông Vệ thì trồng tre giữ đất, bảo vệ mùa màng là biện pháp hiệu quả nhất. Chính quyền xã luôn khuyến khích người dân trồng, bảo vệ tre.

“Mùa lũ năm nay, xã Nghĩa Hiệp không có thiệt hại về người, thiệt hại về kinh tế cũng khá khiêm tốn so với các địa phương khác đó cũng là nhờ người dân có ý thức trách nhiệm cao trong việc trồng tre giữ đất, giữ làng”. Ông Lê Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp vui mừng cho biết.

2. Lợi ích của cây tre

 Từ lâu, cây tre gần gũi và cũng rất đỗi thân thuộc, đã trở thành một trong những biểu tượng cực kỳ đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách con người Việt Nam chúng ta. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cây tre đã thành huyền thoại, thành vũ khí làm khiếp sợ quân thù. Cây tre luôn có sức sống mãnh liệt dù trong mưa bom bão đạn, dù trong nắng hạn mưa giông.

 Gần đây, cây tre được nhiều quốc gia đề xuất sử dụng vào công cuộc chống biến đổi khí hậu vì những hiệu quả mà nó mang lại. Bởi tre là loài thực vật sinh trưởng nhanh; tre nhẹ hơn thép và bền gấp 5 lần bê tông, có khả năng chống chịu động đất, tre được coi là vật liệu lý tưởng cho ngành xây dựng.

 caytre nenDưới góc độ môi trường, tre còn có giá trị nhiều hơn thế. Chính vì sinh trưởng rất nhanh, tạo ra sinh khối lớn trong một thời gian cực ngắn nên lượng cacbon mà tre có thể giữ là vô cùng lớn.

 Nếu được quản lý tốt thông qua khai thác hằng năm, tre có thể hấp thụ lượng cacbon lớn hơn từ 7-30% so với những loại cây thân gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh như linh sam, bạch đàn. Rễ tre cũng đóng góp một lợi ích khác về môi trường khi nó có thể làm giảm 75% tốc độ xói mòn đất.

 Trồng tre có thể được xem là một giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững. Về mặt kinh tế, cây tre trồng từ 12- 15 tháng là có thể thu hoạch măng. Đầu tư cho việc trồng tre không tốn kém, mỗi hécta chỉ vào khoảng trên 1 triệu đồng tiền giống. Kỹ thuật trồng cũng khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Chỉ cần có nước tưới vào mùa khô là cây có thể phát triển bình thường và điều đáng quý là tre hiếm khi bị sâu bệnh phá hại.

 Được chăm sóc tốt thì măng tre phát triển rất nhanh và mạnh, lên nhiều mầm và mỗi một búp măng có thể từ 1 đến 6kg. Tre có thể cho thu hoạch măng hằng ngày, ngay cả trong mùa khô, nếu được cung cấp nước tưới đầy đủ. Giá 1kg măng tươi có thể dao động từ 5.000-15.000 đồng, tùy theo từng thời điểm. Riêng cây tre còn có thể bán để làm nguyên liệu sản xuất giấy và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao.

 Bài, ảnh: Ái Kiều-Ngọc Viên-baoquangngai.vn

Xem thêm

Các nhà khoa học tìm ra cách tái thiết lại thực vật tự nhiên để chống biến đổi khí hậu

Cây cối trong tương lai khi được cấy loại enzyme này sẽ hấp thụ CO2 …

Phân hữu cơ và hiệu quả khi sử dụng

Phân hữu cơ là gì? Theo GS.TS Mai Văn Quyền, khi loài người còn canh …