Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Bệnh thán thư hại cây ăn quả

Bệnh thán thư hại cây ăn quả

Bệnh thán thư do nấm colletotrichum sp là bệnh hại rất phổ biến trên nhiều cây ăn quả ở nước ta, những cây thường bị bệnh gây hại nặng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây đến năng suất và phẩm chất quả như các cây có múi, xoài, chôm chôm, na, sầu riêng, thanh long, vải, măng cụt, đu đủ…Bệnh có thể gây hại các bộ phận cây như lá, hoa quả, chồi và cành non. Triệu chứng bệnh trên các cây nói chung tương tự nhau.

benh than thuTrên lá bệnh tạo thành các đốm màu nâu, khô, hình hơi tròn, vết bệnh phát triển lớn lên và liên kết nhau làm khô cháy một mảng lá, lá vàng úa và rụng, cây sinh trưởng kém.

Trên các cây xoài, vải, chôm chôm, điều…bệnh làm hoa bị khô đen và rụng hàng loạt, quả non bị thối và rụng, là nguyên nhân quan trọng làm giảm năng suất quả.

Trên quả đã lớn, bệnh tạo thành những đốm nâu trên vỏ, sau đó ăn sâu vào trong thịt quả, làm thối một mảng quả, thường thấy trên quả xoài, thanh long, đu đủ…

Ở một số cây như ổi, na, xoài, vải…bệnh còn làm đọt và chồi non bị quăn lại và khô đen, cây sinh trưởng kém và giảm số cành hoa.

Xoài là cây ăn quả bị bệnh thán thư gây hại phổ biến và nặng nề nhất ở tất cả các vùng và các năm. Bệnh làm lá rụng hàng loạt, nhiều chùm hoa bị rụng hoàn toàn, quả non cũng bị rụng, quả lớn bị thối.

Bệnh thán thư phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, khi cây ra đọt và lá non nhiều. Một số cây ra hoa vào mùa khô như xoài, chôm chôm, điều, măng cụt…, lúc này tuy lượng mưa ít nhưng ban đầu vẫn có những đợt sương ẩm nhiều cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển nhiều lên và gây hại nặng thêm.

Ngoài các cây ăn quả, bệnh thán thư còn gây hại phổ biến trên nhiều loại cây rau màu và cây công nghiệp như dưa leo, dưa hấu, ớt, đậu tương, bông vải, chè, cà phê, hồ tiêu…nhiều cây hoa cảnh như cúc, lan, mai vàng…, bệnh thán thư cũng thường gây hại nặng.

Phòng trừ bệnh thán thư như cho các cây ăn quả có hiệu quả cần áp dụng nhiều biện pháp vừa phòng ngừa vừa tiêu diệt bệnh.

– Tạo tán, tỉa cành: cần làm ngay từ khi cây còn nhỏ để cho cây lớn sau này có một bộ cành lá thấp, gọn và phân bố đều các mặt để nhận được nhiều ánh sáng, vườn cây thông thoáng, cây sinh trưởng tốt, đồng thời góp phần hạn chế sự phát triển của bệnh.

– Vệ sinh vườn cây: cắt bỏ các cành lá và quả bị bệnh tập trung tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh tồn tại là lan truyền. Nếu bị bệnh nặng trước khi phun thuốc cần vệ sinh vườn, góp phần nâng cao hiệu quả của thuốc.

– Chăm bón đầy đủ: Các biện pháp chăm bón chủ yếu là tưới tiêu nước và bón phân giúp cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, tăng sức chống chịu bệnh. Trong mùa mưa không để vườn cây quá ẩm thấp, có biện pháp thoát nước nhanh sau khi mưa lớn. Chú ý bón đầy đủ phân và cân đối NPK, có bổ sung các chất trung vi lượng thích hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Các sản phẩm Đầu trâu chuyên dùng cho cây ăn quả như AT1, AT2, AT3, Đầu trâu đa năng, Đầu trâu lớn trái, Poly humat đa năng, các phân bón lá Đầu trâu 005,007,009 chứa đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng NPK trung vi lượng, các chất điều hòa sinh trưởng và tăng sức đề kháng cho cây, góp phần hạn chế rõ rệt tác hại của bệnh.

– Dùng thuốc trừ bệnh: khi bệnh phát sinh gây hại cần dùng thuốc trừ. Hiện có nhiều loại thuốc hiệu quả cao với nấm gây bệnh thán thư trên các cây ăn quả. Trong đó có các loại thuốc tác động tiếp xúc, chủ yếu phòng bệnh và hạn chế nguồn bệnh lây lan như các thuốc gốc đồng, Mancozel, Propinel…các thuốc có khả năng hội hấp, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh trong cây như các chất Carbendazim, Difenocanazole, Tebuconazole…Thuốc trừ bệnh cây Carmanthai 80wp hỗn hợp 2 hoạt chất mancozel và cacbendazim , là thuốc đặc trị bệnh thán thư trên các cây ăn quả và nhiều cây trồng khác. Thuốc có cả tác dụng phòng bệnh và trị bệnh, hiệu quả phòng trừ bệnh cao, rất ít độc hại với người và môi trường.

Để các thuốc trừ bệnh có hiệu quả cao cần phun đúng lúc khi bệnh mới phát sinh, cỏ thể phải phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày, phun đủ lượng nước, đồng thời kết hợp áp dụng các biện pháp khác.

Theo binhdien.com

Xem thêm

Ứng dụng axit humic và rong tảo để sản xuất hoạt chất kích thích sinh học

Ngày nay, các loại hoạt chất kích thích sinh học được sử dụng ngày càng …

Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng (Phần 3)

Sâu bệnh hại cây sầu riêng là phần đau đầu nhất của nhà nông khi trồng loại cây ăn trái này. Vì vậy tiếp tục trong loại bài chia sẻ "kinh nghiệm cách trồng sầu riêng " không thể thiếu phần chia sẻ kinh nghiệm trong việc trị và phòng ngừa sâu bệnh hại cây sầu riêng.