Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Bệnh lá trắng trên cây Mai

Bệnh lá trắng trên cây Mai

Đã qua và hiện nay ở nhiều vườn Mai xuất hiện một loại bệnh lạ, có người gọi là “bệnh bạc lá” hoặc ” bệnh lá trắng”.

Biểu hiện của bệnh là: lá Mai đã trưởng thành có nhiều đốm hoặc viền lá có màu vàng ngà, sau đó chúng chuyển dần sang màu trắng ngà và ngay cả gân lá cũng chuyển màu. Nguyên nhân của hiện tượng này là do lá bị mất diệp lục. (Biểu hiện này khá giống như tình trạng cây bị nấm hồng trên cành nên rất dễ nhầm lẫn.Tuy nhiên ở cành bị nấm hồng, lá dù chuyển màu nhưng vệt màu xanh và trắng xen kẽ nhau thành tia từ trong gân lá ra ngoài chứ không “trắng hết” như bệnh lá trắng.)

Bệnh lá trắng
Bệnh lá trắng

Bệnh nhẹ thì trên từng lá, diện tích chuyển màu nói trên khoảng vài chục phần trăm và lá có lá không. Bên cạnh đó bệnh cũng có thể bị ở một vài cành, còn các cành khác thì không bị. Nếu bệnh nặng thì diện tích màu nói trên loang dần hết cả lá trên toàn bộ cây. Và hậu quả là hoa không trổ được nhiều tuy có nụ khá lớn.

Nguyên nhân gây bệnh lá trắng là do trong quá trình chăm sóc chúng ta dùng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng (KTTT) hoặc dùng thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng phụ là KTTT.

Ở những vườn hay dùng chế phẩm Atonik (hoặc các chế phẩm KTTT khác) lại thường xuyên sử dụng vừa quá liều, vừa liên tục trong thời gian ngắn không đúng theo khuyến cáo, hầu hết đều bị. Ngoài ra, những vườn thường dùng thuốc Anvil hay Saizol có tên hoạt chất là Hexaconazol liên tục nhiều kỳ mà không thay bằng thuốc khác hoặc phun nồng độ cao hơn mức cho phép “để chắc ăn” thì cũng bị tương tự. Và vừa dùng KTTT lại vừa sử dụng loại thuốc nói trên tình hình bệnh sẽ nặng hơn.

Chúng ta biết rằng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng KTTT ở một hoặc nhiều phần nào đó đối với cây trồng Do đó, những tác động KTTT ở mức độ ít hoặc vừa phải thì cây tăng trưởng tốt nhưng quá liều thì sự rối loạn dinh dưỡng sẽ gây ra bệnh cho cây (vd: có những loài cây bị dị dạng như hoa Lan chẳng hạn).

Để trị bệnh nói trên, trước tiên là ngưng sử dụng các chế phẩm KTTT và các loại thuốc BVTV có tác dụng phụ là KTTT trong một thời gian. Tùy theo cây bị nặng hay nhẹ mà ngưng lâu hay mau để cây được bình thường trở lại (những cây bị nặng có thể 2-3 năm mới hết bệnh). Ngoài ra theo kinh nghiệm của một số nhà vườn ở phường An Phú Đông và Thạnh Lộc quận 12 nếu để cho cành bị bệnh đậu trái một thời gian nó cũng hết (điều này được nghe phổ biến nhưng chưa kiểm chứng).

Mong rằng sự phát hiện nhỏ nhoi về căn bệnh lạ này của tôi sẽ hữu ích cho quí đọc giả!

Bài và ảnh Hai Riều-Tapchihoacanh

Xem thêm

Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển sang màu đỏ

Cách trồng ớt cay tại nhà ra trái ăn quanh năm

Hiện nay với tình hình rau sạch , rau bẩn lẫn lộn thật giả khiến …

Rau an toàn và vai trò của BVTV

Sản xuất rau an toàn đang ngày càng tăng một cách bền vững cả về …