Trang chủ / Cách trồng rau / Hướng dẫn cách ghép cà chua trên gốc cà tím

Hướng dẫn cách ghép cà chua trên gốc cà tím

Cà chua là cây rau ăn quả được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, việc phát triển sản xuất cà chua đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên phần lớn diện tích trồng cà chua tập trung vào vụ đông, năng suất cao nhưng giá rẻ, tiêu thụ chậm, vụ hè thu diện tích giảm, do thời tiết không thích hợp cho cây sinh trưởng, bị chết nhiều vì ngập nước.

Một số bệnh ở rễ, lá, nhiệt độ cao làm giảm tỉ lệ đậu quả, năng suất giảm rất nhiều, nếu không nói là mất trắng… Vì vậy ghép cà chua lên gốc cà tím là giải pháp được lựa chọn để hạn chế tối thiểu các trở ngại trên giúp nông dân trồng cà chua trái vụ thu nhập cao.

Hướng dẫn cách ghép cà chua trên gốc cà tím
Ảnh minh họa – Cà chua ghép trên gốc cà tím cho hiệu quả kinh tế cao

Đây là phương pháp lấy ngọn giống cà chua ghép với gốc cà tím để tận dụng ưu thế chống chịu thời tiết nắng nóng và sâu, bệnh tốt của cà tím. Khi ghép trên gốc cà tím, hình dạng quả vẫn giữ đúng đặc tính cơ bản của giống cà chua ghép. Giống cà chua được ghép trên gốc cà tím sinh trưởng phát triển tốt, có khả năng hạn chế bệnh héo xanh gây hại, chống chịu tốt với thời tiết nắng nóng của vụ hè thu.

Hướng dẫn cách ghép cà chua trên gốc cà tím

1.Cách ghép

Hạt cà tím, hạt cà chua ngâm riêng trong dung dịch thuốc tím 0,5% trong 1 giờ, sau ngâm tiếp 5-6 giờ trong nước sạch, đem ủ ấm trong 1-2 ngày, khi hạt nứt nanh, gieo trong khay, bầu (đường kính bầu 5-7cm, cao 10-15cm) hay vỉ xốp, có lỗ thoát nước ở đáy.

Giá thể trong khay, bầu gồm: 60-70% là đất phù xa, bùn ao hoặc đất thịt nhẹ giàu mùn phơi ải, đập nhỏ + (30 – 40%) phân chuồng ủ hoai mục với 5% supe lân. Hạt cà tím được gieo trước hạt cà chua 4 – 5 ngày. Khi cà chua và cà tím gieo được 15-20 ngày, có 3 – 4 lá thật thì tiến hành ghép.

2.Thao tác ghép 

Dùng dao lam đã khử trùng qua cồn 90o, cắt vát thân cà tím phía trên hai lá mầm và cắt vát thân cà chua phía dưới hai lá thật, rồi dùng dây chun buộc chặt hai đoạn nối nhau cho thật kín.

3.Chăm sóc

Ghép xong cần che mát 70% ánh sáng trực tiếp bằng lưới nilon màu đen đồng thời che mưa trong 10 ngày. Khi cây ghép đã liền sẹo, cắt bỏ dây chun để cây phát triển bình thường, mang ra nơi có nhiều ánh sáng. Tiếp tục chăm sóc đến khi cây ghép có 4 – 6 lá thật, cao 25 – 30cm là đủ tiêu chuẩn đem trồng .

Lượng phân bón ( 360m2): 8-10 tạ phân chuồng hoai mục + 20kg NPK (5:10:3:S) bón lót khi trồng. Bón thúc 3- 4 lần, khi cây có nụ, sau mỗi lần thu quả bằng 10-15kg phân NPK (12:5:10:S). Nếu không có phân NPK có thể bón phân đơn với lượng: 25-30kg lân supe+10-12kg ure+10-12kg kaliclorua. Thường xuyên tỉa nhánh, lá gốc cho thông thoáng, làm giàn cho cà chua tựa, tránh đổ ngã khi mang quả.

Phun chế phẩm H-K (Humat-K)+Multi-K định kỳ cho cà chua, 10 ngày/lần để tăng khả năng chống bệnh, bền cây.

Vụ sớm, vụ hè cần chọn chân ruộng cát pha hay thịt nhẹ, thoát nước, tráng nắng, nhiều màu. Nếu đất chua, độ pH<6 cần bón 20-25kg vôi bột khi làm đất.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, KHKTNN

 

Xem thêm

Người đầu bếp kiên trì chế biến rau củ quả thành tác phẩm để đời, thực khách chỉ ngắm chứ không ai nỡ ăn

Nếu người Việt Nam có câu ” với sức người sỏi đá cũng thành cơm” …

Phụ nữ cần 320 mg và nam giới cần 420 mg mỗi ngày

Cách tính toán hàm lượng dinh dưỡng trong dung dịch thủy canh (phần 1)

1.Phương pháp tính toán Mọi vật chất trên trái đất đều được tạo ra nhờ …