Trang chủ / Tin tức tổng hợp / Sản phẩm nông nghiệp thời WTO

Sản phẩm nông nghiệp thời WTO

Sản phẩm nông nghiệp cho thị trường thời WTO là sự tổng hợp của một chuỗi giá trị với sự kết hợp nhuần nhuyễn hai khâu kỹ thuật/công nghệ và quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Bên cạnh đó, Nhà nước không làm thay nông dân mà cần hỗ trợ nông dân nâng cao sức cạnh tranh.

Hình minh họa
Hình minh họa

 Trong nông nghiệp, Việt Nam có chủ trương đi tắt đón đầu nhờ lợi thế đi sau bằng cách du nhập, thử nghiệm các thành tựu khoa học hiện đại của thế giới để xây dựng một nền nông nghiệp thích hợp.

Nông nghiệp trong nước mới chỉ làm tốt từng khâu

Nhưng Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn lớn vì sự phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ, trong thành phần sản xuất và tổ chức quản lý. Đặc biệt, Việt Nam chưa hình thành được chuỗi ngành hàng đồng bộ nên kết quả đạt được còn hạn chế, làm đời sống của nông dân không được cải thiện nhiều mặc dù đã xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè… nhưng giá bán rất thấp, chỉ khoảng 50-60% giá trung bình thế giới.

Nếu đầu tư tích cực vào chuyển giao công nghệ theo chuỗi ngành hàng, đặt trọng tâm vào chất lượng và nâng cao giá trị chủ thể của nông dân, Việt Nam sẽ bứt phá rất nhanh, vì một khi nông dân là chủ thể thì họ sẽ xây dựng được một nền nông nghiệp chất lượng cao cho một nông thôn mới.

Trong bước phát triển về nông nghiệp, Việt Nam đã phát triển rất tốt về chuyển giao công nghệ cho từng khâu nhưng chưa tốt cho từng chuỗi ngành hàng.

Việt Nam rất thành công trong công nghệ cao về tạo giống và phương pháp canh tác: đã có nhiều giống lúa, ngô, cà phê… có năng suất cao, chống sâu bệnh tốt; đã có nhiều mô hình trồng rau dùng màn che, phủ luống, trồng cà phê áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc hệ thống tưới phun có hiệu quả; đã áp dụng chế phẩm EM đại trà nhiều nơi để thay thế thuốc BVTV và phân bón vô cơ.

Nhờ những công nghệ mới này mà lúa gạo đã được trồng trên những cánh đồng lớn, cơ giới hóa, đưa sản lượng tăng cao đáng kể, từ 19 triệu tấn năm 1990 lên 32 triệu tấn năm 2000 và 42 triệu tấn năm 2011.

Tuy nhiên, vì chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng xuyên suốt và đồng bộ, nên khi sản lượng lúa gạo đạt đỉnh thì chúng ta gặp ngay khó khăn: thiếu kho tàng để tạm trữ lúa sau thu hoạch, thiếu cơ sở để chế biến, thiếu nhà mát để lưu kho, và quan trọng hơn hết là chúng ta thiếu thị trường để tiêu thụ một lượng hàng dồi dào. Nông dân vào thời điểm thu hoạch cũng đã hết vốn.

“Được mùa mất giá” là hệ lụy của bước phát triển không theo chuỗi. Điều này đã xảy ra cho tất cả mọi ngành hàng nông sản Việt Nam, không trừ một ngành nào kể cả lúa gạo, vốn được xem là mặt hàng an ninh lương thực mang tính chiến lược quốc gia.

Chuỗi giá trị nông sản là gồm các khâu: Giống → các yếu tố trong thời kỳ canh tác (nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) → thu hoạch → sau thu hoạch → đóng gói, bao bì → phân phối → thị trường và cuối cùng là người tiêu thụ.

Mỗi một khâu trong chuỗi giá trị đều có một hoặc nhiều kỹ thuật và công nghệ riêng thích hợp cho từng vùng miền, điều mà thế giới đã nghiên cứu và hiện đang ứng dụng rộng rãi. Du nhập, chọn tạo, kiểm nghiệm và cải thiện cho thích hợp với điều kiện Việt Nam là việc làm của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu hoặc trường đại học.

Theo xu thế phát triển và hội nhập, thế giới ngày nay đã chuyển những viện nghiên cứu mang tính cục bộ thành những trung tâm xuất sắc (Centre of Excellence – TTXS) mang tính chuỗi giá trị cho một ngành hàng trên một vùng sinh thái để giải quyết dứt điểm những khó khăn của ngành hàng. Chính những TTXS này là nơi tiếp nhận và phát triển kỹ thuật công nghệ mới một cách có hệ thống theo chuỗi ngành hàng.

Cho đến nay, Bộ NNPTNT đã ban hành 4 quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) liên quan đến cây trồng. Đó là quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi, cho chè búp tươi, cho lúa và cho cà phê.

Như vậy VietGAP vừa là thước đo về tính an toàn vệ sinh của nông sản, vừa là rào cản kỹ thuật đối với những nông sản của nước ngoài muốn tham gia nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Quy trình VietGAP không cho phép bất kỳ ai được sản xuất một sản phẩm kiểu như “chè bẩn” tại Việt Nam. Cho nên nếu áp dụng VietGAP một cách nghiêm túc, chúng ta có thể loại trừ những “sản phẩm khác thường” đã làm điêu đứng bà con nông dân trong những năm qua.

Quy trình VietGAP được thế giới công nhận sẽ là cơ sở vững chắc để bảo vệ nông nghiệp và nông dân vì đây chính là hành lang pháp lý có mục đích không phải chỉ bảo vệ tính an toàn vệ sinh của sản phẩm, mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ người nông dân và bảo vệ người tiêu thụ.

Hỗ trợ nông dân nâng sức cạnh tranh 

Australia có chính sách kinh tế thị trường hướng đến xuất khẩu, trong đó Chính phủ có chủ trương giao việc cho nông dân, xem họ là thành phần chủ quản. Chính phủ ít khi hoặc không can thiệp vào việc quản lý mà chỉ giúp nông dân qua hình thức cải tiến hạ tầng cơ sở nông thôn và xây dựng hành lang pháp lý để nông dân sản xuất có hiệu quả, nhưng cũng đủ mạnh để bảo vệ sự xâm nhập “khác thường” từ bên ngoài. Chính phủ nước này có chương trình giúp nông dân nâng cao sức cạnh tranh, nhất là cạnh tranh quốc tế.

Vì xem nông dân là thành phần chủ lực trong sản xuất, trong xây dựng được một nền nông nghiệp bền vững có lợi cho toàn xã hội nên Chính phủ Australia đầu tư rất nhiều vào việc giáo dục nông dân để tự họ xây dựng nông thôn mới. Chương trình này gồm những điểm nổi bật như sau: Hỗ trợ việc tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, quản lý tài chính và tài nguyên; hỗ trợ việc thay đổi ngành nghề phù hợp; hỗ trợ dịch vụ tư vấn về tình hình tài chính; hỗ trợ tài chính cho các hộ nông dân đặc biệt gặp khó khăn…

Nông dân được khuyến khích thành lập hiệp hội, giảm bớt cạnh tranh nội bộ và để Nhà nước giao quyền cho hiệp hội quản lý ngành.

Ví dụ, ngành lúa gạo Australia tuy nhỏ nhưng cũng thành lập Hiệp hội những người trồng lúa Leeton, trong đó có Công ty Ricegrowers Limited (SunRice), cơ sở duy nhất tại Australia được cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Nông dân Australia không được phép giao dịch với thương lái. Họ chỉ cần trồng cấy và thu hoạch tốt, sau đó mang lúa đến kho hàng để Hiệp hội thực hiện các khâu sau thu hoạch. Chính vì không được phép giao dịch nên không có cảnh thương lái đặt hàng rồi “biến mất”.

Vì có định hướng nên nông dân cũng không cần “chặt/trồng” để theo đuôi thị trường. Hiệp hội là của nông dân nên tay nghề cao của nông dân đã giúp họ dự đoán được năng suất từng vụ mùa để có những hành động tiếp theo. Kiến thức rộng của Hiệp hội cũng đã giúp họ tính toán được “cung-cầu” của thị trường hiện tại.

Thu nhập cao là điểm then chốt giúp nông dân bám trụ, xây dựng nông thôn mới để đưa nông nghiệp tiến lên. Việt Nam phải biết chuyển giao công nghệ theo chuỗi ngành hàng, lấy chất lượng làm cốt lõi và nâng cao giá trị chủ thể của nông dân. Có như vậy nông nghiệp Việt Nam mới tiến sâu, tiến bền vững vào hội nhập.

 

Theo chinhphu.vn

Xem thêm

Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ con bằng việc cùng chúng trồng rau làm vườn

Sẽ không có cách nào tốt hơn để nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ con …

Phương pháp mới giúp tăng năng suất cây trồng không cần dựa vào biến đổi gen hay thuốc trừ sâu

Một loại vi khuẩn tương tự như vi khuẩn trong dạ dày của con người …