Trang chủ / Tin tức tổng hợp / Báo động ô nhiễm rác thải từ sản xuất nông nghiệp

Báo động ô nhiễm rác thải từ sản xuất nông nghiệp

Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, canh tác, người nông dân thường có thói quen tùy tiện vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ, sông, suối hoặc một số hộ tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt. 

Đây là thực trạng đáng báo động đang diễn ra tại các vùng sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng.

rác thải
Ảnh minh họa

 Ông Đào Văn Toàn – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Việc nông dân tùy tiện vứt vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng là đáng báo động và tác động rất xấu đến môi trường. Về lâu dài, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trên bao bì sẽ thấm xuống nước và tác động khôn lường đến sức khỏe con người”.

 Theo báo cáo của Chi cục, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt khoảng 320.000 ha. Ước tính, lượng thuốc bảo vệ thực vật cho 1 ha đất là 10kg, lượng vỏ bao bì khoảng 1,5kg/ha. Như vậy, với diện tích sản xuất trên, tổng khối lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm là 3.200 tấn, còn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường khoảng 200 tấn.

 Mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Lâm Đồng được đánh giá cao hơn hẳn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy đạt được nhiều thành quả trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng phần lớn nông dân chưa ý thức được tác động nguy hại từ vỏ bao bì, phế phẩm nông nghiệp trực tiếp thải ra môi trường mà chưa qua xử lý.

  Ngay cả việc nông dân tự thu gom các loại rác thải từ sản xuất nông nghiệp để đem đốt, chôn xuống đất hay thu gom cùng với rác sinh hoạt cũng chưa đúng với quy định, quy trình, gây ảnh hưởng xấu đến đất và nguồn nước.

 Theo ông Lê Bá Thành – nông dân trồng rau ở phường 9, thành phố Đà Lạt, sau khi bơm thuốc, vỏ chai được ông cho vào túi ni –lông rồi bỏ xuống suối cho nước trôi. Không chỉ riêng ông Thành mà nhiều nông dân đều cho rằng những vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng như rác thác thông thường nên cứ đổ xuống sông, suối.

 Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, Tổng cục Môi trường và Chi cục Bảo vệt thực vật Lâm Đồng đã phối hợp thực hiện dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm hữu cơ tồn lưu khó phân hủy tại Việt Nam”, được thí điểm tại phường 9, Đà Lạt. Dự án đã đặt 2 bể thu gom và phát động thu gom các bao bì thuốc bảo vệt thực vật tồn tại trên đồng ruộng, ao hồ, suối để tiêu hủy. Chỉ trong 1 tháng (từ giữa tháng 7 đến nay), dự án đã thu gom gần 300 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật./.

Theo: Tam nhin.net 

Xem thêm

Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ con bằng việc cùng chúng trồng rau làm vườn

Sẽ không có cách nào tốt hơn để nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ con …

Phương pháp mới giúp tăng năng suất cây trồng không cần dựa vào biến đổi gen hay thuốc trừ sâu

Một loại vi khuẩn tương tự như vi khuẩn trong dạ dày của con người …