Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Những điều cần biết khi uống nước mát giải nhiệt

Những điều cần biết khi uống nước mát giải nhiệt

Mùa nắng nóng, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, dễ sinh mụt nhọt và các bệnh về da. Để giải nhiệt, nhiều người chọn dùng nước mát. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích với sức khỏe, bạn cũng cần cẩn trọng khi uống nước mát.

Để điều hòa thân nhiệt, làm mát da, trung khu điều hòa nhiệt độ đã “hạ lệnh” xuất mồ hôi. Để bù nước và sự mất cân bằng điện giải, cơ thể sẽ báo khát. Xứ nhiệt đới có nhiều loại trái cây mọng nước để giải khát.

Nước dừa tươiMón ngon mà dân bản xứ và người nước ngoài đều mê là dừa tươi ướp lạnh. Nước dừa rất tốt vì giàu kali và các khoáng chất, có khả năng điều hòa dịch nội bộ và bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, lợi điểm của nước dừa cũng chính là điểm yếu của nó. Do nước dừa mát nên nếu dùng thường xuyên sẽ có nguy cơ bị lạnh bụng, trở ngại tới tiêu hóa, ăn không tiêu. Người vừa tập luyện nặng xong uống nước dừa sẽ mệt mỏi. Nước dừa chỉ uống buổi sáng và trưa, tuyệt đối không dùng buổi tối vì có thể gây mất ngủ do óc ách bụng cả đêm.

Mùa nắng, nước mía thường ngọt hơn mùa mưa. Khi ép nước mía, người bán thường cho thêm chanh, tắc, sầu riêng hoặc dâu để tăng hương thơm và vị ngọt. Đây là loại nước giải khát, đánh thức vị giác mãnh liệt. Do lượng đường cao nên nước mía cũng giúp giải mệt và tỉnh táo. Tuy nhiên cần cẩn trọng vấn đề vệ sinh vì mía ngọt nên thu hút ruồi, côn trùng mang mầm bệnh. Nước mía chứa nhiều đường nên nếu dùng nhiều dễ bị thừa cân.

Rửa mặt hàng ngày bằng nước chè xanh

Món nước không làm tăng cân, lại có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ tế bào chết và tái tạo da, chứa vitamin C, làm mát cơ thể là trà xanh. Khi dùng, cần hãm trà tươi ở nhiệt độ 800C để bảo toàn vitamin, khoáng chất. Nên uống nước trà trong ngày, tránh để sang hôm sau vì dễ bị thiu. Không uống trà xanh khi đói bụng và trong bữa ăn. Trẻ em và phụ nữ có thai không nên dùng nhiều trà xanh vì dễ gây thất thoát chất sắt.

“Ngang tài ngang sức” với trà xanh là nước vối. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do cố giáo sư Đỗ Tất Lợi biên soạn, “Nước vối có nhiều công dụng, năm 1968, ông Nguyễn Đức Minh, phòng đông y thực nghiệm Viện nghiên cứu Đông y VN đã tiến hành nghiên cứu và đi đến kết luận là lá và nụ vối đều có tác dụng kháng sinh, diệt khuẩn đường tiêu hóa, tiêu cơm. Nghiên cứu cũng cho biết là nụ và lá vối không độc với cơ thể”.

Nước vối
Nước vối

Một loại nước hiện nay được dùng khá phổ biến trong quán xá và gia đình là nhân trần. Đây là loại nước mát có tác dụng thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan chống tình trạng gan nhiễm mỡ, hạ huyết áp. Tuy nhiên, không nên uống nhân trần ngày này sang tháng nọ, buộc gan phải “tăng tốc” thải chất dư thừa ra ngoài, hại sức khỏe.

Các loại lá mát
Các loại lá mát

Nước sâm là hỗn hợp nước mía lau, rễ tranh, râu bắp, thuốc dòi. Mía lau có khả năng thanh nhiệt, giúp hết khát. Rễ tranh và râu bắp “đẩy” nhiệt ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Thuốc dòi vừa thanh nhiệt ở phổi, vừa có tác dụng sát trùng. Nếu thêm một ít rong biển thì món uống trở nên “thập toàn thập mỹ” vì bổ sung chất khoáng bị mất đi qua mồ hôi. Tuy sâm lạnh là thức uống tốt trong mùa nắng nóng, nhưng chất lượng còn tùy người pha chế, tùy nguyên liệu. Cần chú ý tới việc các xe nước bày bán nơi nhiều bụi đường, bán trong thời gian dài, làm lạnh bằng đá nên ẩn chứa nguy cơ nhiễm khuẩn. Bạn đồng hành trên các xe nước sâm là atiso với công dụng mát gan bổ thận. Tuy nhiên, atiso dùng quá nhiều sẽ gây cảm giác trướng bụng khó tiêu.

Nước sắn dây
Nước sắn dây

Bột sắn dây là loại nước mát nổi tiếng của người miền Bắc. Đã có nghiên cứu trên thỏ cho thấy, bột sắn dây còn có công dụng hạ sốt. Công dụng mà dân gian thường dùng là trị kiết lỵ. Khi mồ hôi ra nhiều, bứt rứt, khó chịu, thân nhiệt tăng, dùng 6-10g tinh bột sắn dây hòa với nước nguội thêm chút đường để giải khát hạ nhiệt, rất hiệu quả.

BS Hà Thị Hồng Linh – Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM khuyên: “Các loại nước mát dùng đúng sẽ tăng cường sức khỏe, ví dụ nước dừa dùng để uống bù nước khi bị tiêu chảy. Vì vậy, những người hay lạnh bụng, sôi bụng, đi cầu phân nát khi dùng các loại nước có tính chất mát, thanh nhiệt cần lắng nghe cơ thể. Nếu uống vào thấy tình hình “chột bụng” tăng lên thì điều tiết lại. Không dùng bất cứ loại nước nào quá nhiều, quá lạnh hoặc quá nóng, vì làm cho hệ tiêu hóa bị quá tải, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Thay đổi các loại nước uống vừa tốt cho sức khỏe, vừa tạo cơ hội cho cơ thể hấp thu nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau.

Theo Phương Nam – PNO

Xem thêm

Cây rau giải độc nên có tại nhà

Các nhà khoa học đã phát hiện trong quả mướp đắng chứa một loại protein …

Thức uống thanh nhiệt cho tiết trời nắng nóng – P1

Vào mùa hè nắng nóng, chúng ta cần lưu ý sử dụng một số thức …