Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cây sân vườn / Công dụng hữu ích của măng

Công dụng hữu ích của măng

Măng là mầm của các loại cây thuộc họ tre, có thể ăn được với nhiều loại như măng tre, măng vầu, măng trúc, măng giang, măng bương, măng đắng…

Măng phủ đầy lông tơ được thu hoạch ngay khi nhú khỏi mặt đất. Măng không được dùng sống vì vị đắng của nó. Tùy theo món ăn mà măng được luộc hay nướng. Măng non rất giòn và không xơ, được dân châu Á sử dụng tươi hay khô hơn là đóng hộp, không ngon vì mất đi một phần vitamin và có mùi kim loại. Điều đặc biệt măng tre là một loại “thực dược lưỡng dụng” – vừa dùng làm thức ăn, lại vừa dùng làm thuốc.

mang treTừ thời xa xưa, người ta đã phân loại măng theo mùa thu hái. Hái vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 gọi là “măng xuân”, cuối thu đầu đông là “măng đông”, còn hái vào mùa hè gọi là “măng tiên” hay “măng vòi”. Măng đông là thứ cao cấp nhất, thứ măng củ này đã được nuôi dưỡng trong lòng đất qua kỳ ngủ đông nên béo mập, mềm, giòn, ăn rất ngon.

Thứ đến là măng xuân, cũng ngon và mập. Còn măng mùa hạ thường gầy, dài như chiếu roi ngựa, nên gọi là “măng tiên” (“tiên” = chiếc roi), hay là “măng vòi”. Măng có thể dùng tươi, phơi khô để dùng dần, có thể ngâm nước để chua thành măng chua. Măng tươi có thể luộc ăn thay rau, nấu món “giả cầy”, các món xáo vịt, xáo ngan, bún măng nấu ngan, vịt, chân giò lợn… Măng chua thường không thái mà xé dọc thành từng miếng nhỏ, đem luộc hoặc xào ăn.

Ở góc độ Đông y thì măng đã được sử dụng làm thuốc trong dân gian từ nhiều thế kỷ trước, đặc biệt là ở Trumg Quốc. Tuy nhiên khi sử dụng măng cần lưu ý như: Theo sách “Doanh dưỡng bách khoa” do Hội Dinh dưỡng Thượng Hải biên soạn mới xuất bản gần đây, trong thành phần của măng có các amin acid như lysine, tryptophan, threonine, serine, aminopropionic, và trong đó 3 loại đầu là những “acid amin thiết yếu” đối với cơ thể. Trong măng có nhiều calcium oxalate khó tan, cho nên những người bị viêm thận, sỏi tiết niệu khi sử dụng phải hết sức thận trọng.

Măng cũng không nên nấu với đậu phụ, để calcium trong đậu phụ khỏi hóa hợp với oxalic acid trong măng, tạo thành nhiều calcium oxalate khó tan. Trong măng tươi có một loại glycoside có thể gây ngộ độc, tên là cyanogenic glycoside (có khả năng biến thành axit Cyanhydric (HCN ) gây độc. Với liều 50 – 60mg (tức vào khoảng 200g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây chết người, bắt đầu với các triệu chứng như khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở… Để loại bỏ HCN trong măng, cần luộc và ngâm kỹ. Trong 100g măng tươi chưa luộc có tới 32 – 38mg HCN. Ở măng đã luộc kỹ (đổ nước), lượng chất này còn 2,7mg, ở măng tươi ngâm chua là 2,2mg, ở nước luộc măng là 10mg. Ngay cả khi ăn quá nhiều măng cũng có thể bị nhức đầu, chóng mặt… Do đó mỗi lần ăn không nên quá 100g măng tươi. Tuy nhiên hàm lượng cyanogenic glycoside trong măng còn tùy thuộc vào mùa thu hoạch. Nếu không luộc chín, cyanogenic glycoside sẽ chuyển hóa thành hydrogen cyanide và có thể dẫn tới ngộ độc.

Cách phòng ngộ độc măng tươi là cần ngâm nước kỹ và luộc cho thật chín nhiều lần vì loại cyanogenic glycoside này dễ tan trong nước, do đó cách này có thể loại bỏ được độc chất có trong măng. Nếu bị ngộ độc, sau khi ăn vài phút, sẽ xuất hiện các chứng trạng như lợm giọng, buồn nôn, đau đầu… Đối với trường hợp ngộ độc măng cụ thể: Pha nước đường cho bệnh nhân uống; cũng có thể cho uống nước mía, nước mật, ăn kẹo… Sau đó lấy 50 – 70g đậu xanh để cả vỏ giã nát, vò với một bát nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước, chia làm 2 phần uống trong ngày. Cũng có thể lấy rau muống giã nát vắt lấy bát nước lớn cho uống.Nếu có điều kiện, có thể sắc nước rễ cỏ tranh hoặc râu ngô; dùng rau má rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống. Uống nhiều lần có thể giải độc và khỏi say.

Đông y cho rằng, măng có vị ngọt nhạt (cam đạm), tính hơi lạnh (vi hàn). Có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoạt huyết, khu phong. Chủ trị các chứng ho nhiệt nhiều đờm, cảm mạo phong hàn, cửu lỵ (đi lỵ lâu ngày), thoát giang (lòi rom, sa trực tràng), sởi không mọc, ngoài ra còn có tác dụng giải say rượu rất tốt.

Dưới đây là một số cách trị bệnh từ măng

– Chữa ho do phế nhiệt (phổi nóng): Măng tre 150 – 200g, đem bóc vỏ, thái lát nấu kỹ với 1 chiếc phổi lợn; chia ra ăn hàng ngày.

– Chữa mất ngủ, bồn chồn: Măng tre 150 – 200g, thái lát, sắc kỹ lấy nước, uống hàng ngày trước khi đi ngủ. Nếu không có măng, có thể dùng búp tre non, cỏ bấc đèn – mỗi thứ 30g, sắc lên uống.

– Chữa tăng huyết áp, đau đầu, mặt đỏ, phiền khát, tối ngủ không yên giấc: Măng tre 250 – 300g, luộc ăn hàng ngày. Hoặc có thể dùng búp tre 30 – 60g, hạ khô thảo 15g, hoa hòe 9g, sắc uống.

– Trị trẻ mới bị lên sởi, nốt sởi không mọc ra được hoặc mới bị thủy đậu, phát sốt, miệng khát, tiểu tiện ít: Dùng măng tre 200g, gừng tươi 5 lát, sắc nước cho uống. Hoặc lấy măng tươi nấu canh với cá diếc cho trẻ ăn sẽ mau chóng khỏi bệnh. Kiết lỵ lâu ngày, thoát giang: Măng tre tươi nấu với gạo tẻ thành cháo ăn.

– Chữa phụ nữ đẻ xong lòng bàn chân bàn tay nóng, bồn chồn: Trúc nhự tươi, búp tre tươi – mỗi thứ 30g; sắc nước uống. Giúp dễ tiêu hóa, tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực: Măng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng đặc biệt như amin gốc axit của thiên môn đông nên có công dụng trên. Món nộm măng ăn vừa giòn, vừa ngon, lại dễ tiêu hóa, nhất là khi ăn nhiều thịt mỡ, nhiều chất khó tiêu.

– Bồi bổ thích hợp với cơ thể người già yếu: Măng nấu hải sâm, tôm nõn thì ít mỡ, lượng protein cao, cholesterol thấp nên có công dụng này.

– Trị sốt cao: Lấy mấy cái măng đem về rửa sạch, thái nhỏ, cho vào cối giã nát, ép lấy nước hoà với nước gừng rồi cho uống ngày hai lần là hạ sốt ngay (nước măng tươi, nước gừng, mỗi thứ một chén uống với nước). Bị mụn nhọt, đầu đinh: Tìm măng mới nhú khỏi mặt đất rồi lấy khoảng 20g trộn với 10g Bồ công anh, 5g gừng. Cho cả vào nồi, đổ hai bát nước sắc lấy 1 bát, cho uống ngày 2 lần (mỗi lần nửa bát)

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại

Xem thêm

Người đầu bếp kiên trì chế biến rau củ quả thành tác phẩm để đời, thực khách chỉ ngắm chứ không ai nỡ ăn

Nếu người Việt Nam có câu ” với sức người sỏi đá cũng thành cơm” …

10 cách phối các loại thực phẩm khi ăn chung với nhau có tác dụng giảm cân tự nhiên

Ngày nay khuynh hướng dinh dưỡng của thế giới là càng sử dụng tác dụng …