Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Cách trồng lan / Kỹ thuật trồng phong lan cơ bản (phần 5) – Cách tưới phân vô cơ cho lan

Kỹ thuật trồng phong lan cơ bản (phần 5) – Cách tưới phân vô cơ cho lan

Cây phong lan ngoài thiên nhiên hút được dưỡng chất ở trong không khí, ở bụi mùn, ở lá cây mục và ở trong nước mưa… Cây lan nuôi trồng trong chậu với giá thể nghèo dinh dưỡng, không có nguổn dinh dưỡng nào, nên cần phải tưới thêm phân. Ngày nay đã có nhiều Cty nghiên cứu chế biến các loại phân hoá học để trồng phong lan. Người trồng lan phải biết cách sử dụng phân để tưới cho lan. Có loại phân phù hợp với lan con, có loại phân phù hợp với lan trưởng thành để kích thích ra hoa, có loại phù hợp với lan đã ra hoa, cho hoa đẹp và tươi lâu.

Các Loại Phân Vô Cơ.

Phân vô cơ có nhiều nguyên tố đa lượng, vi lượng và ô-xy, hy-drô, carbone trong không khí.

1. Nguyên tố đa lượng.

a. Đạm Nitrogen :
dam-nitrogen
Nitrogen là nguyên tố có tác dụng làm tăng trưởng nhanh, ra chồi, ra lá, phù hợp bón cho lan con. Nguồn đạm đang sử dụng có dưới hai hình thức trong :

– Uré với công thức hoá học CO(NH2)2, có tỷ lệ đạm 46% Nitrogen.

– Sulfate Ammonium còn gọi là SA với công thức hoá học (NH4)2SO4, có tỷ lệ 21% Nitrogen.

Phần còn lại là tạp chất, không sử dụng được. Lan con đang trong thời kỳ tăng trưởng, nên tưới phân có tỷ lệ đạm cao, kích thích ra chồi non, ra lá, ra rễ vv… làm cho cây phát triển nhanh.

Nhưng khi tưới nhiều đạm qúa, cây lan dư đạm, tàn lá xanh mướt, cây bị rạp xuống, lá to nhưng yếu ớt, cây dễ bị đổ ngã và dễ quyến rũ sâu rầy cũng như bệnh tật. Ngược lại, thiếu đạm cây lan sẽ ốm, lá nhỏ, già nua vàng lá … Người trồng lan luôn luôn theo dõi cây lan, nếu thấy có triệu chứng , thiếu hoặc thừa đạm thì phải tưới thêm hoặc bớt phân đạm.

b. Lân : Phân lân P2O5 (Phosphore) ở ngoài thị trường được bán dưới dạng Super lân, chứa 20% P2O5, còn lại là tạp chất khó hòa tan trong nước. Phân lân có tác dụng giúp cây lan nẩy mầm, ra rễ nhanh và kích thích thúc đẩy ra hoa. Nếu tưới dư phân lân, cây sẽ già nua, ra hoa sớm, lá sẽ ngắn, dầy, cứng, cây có thể lùn và mập. Trường hợp nầy phải giảm lân và tăng Nitrogen, vì Nitrogen và Phosphore lúc nào cũng bổ sung cho nhau.

Khi thiếu lân, cây lan không lớn, cằn cỗi, không ra hoa được, lá xanh đậm hoặc tím, rễ ít phát triển, không có chồi non và dễ bị bệnh. Trưởng hợp này phải nhanh chóng bổ sung thêm lân.

Phân lân thường dùng để kích thích cho cây lan ra hoa sớm theo ý muốn.

c. Kali (K2O) :

Phân kali ở thị trường có loại Chlorua kali (KLC) hay còn gọi là phân mứôi ớt, chứa 60% K2O và loại Sulfate kali màu trắng, chứa 18% K2Cl. Phân kali có công dụng làm cho cây lan cứng cáp, đứng thẳng, tăng cường bó mạch trong thân cây, dự trữ dưỡng chất để nuôi cây trong mùa khô, đồng thời thúc đẩy ra chồi mới, giữ cho hoa lâu tàn, màu sắc tươi đẹp.

Nếu tưới nhiều kali quá, cây lan thừa kali, lá trở nên vàng úa, đọt non không phát triển và khô héo, cây lan cằn cỗi. Gặp trường hợp này phải giảm lượng kali ngay, tăng cường thêm đạm. Nếu cây lan thiếu kali thì cây lan không phát triển được, vì cây lan không được hấp thụ dưỡng chất, cây khô dần rồi chết. Còn nếu đang thời kỳ tươi tốt mà thiếu kali thì mắt lóng thun lại, lá ngọn mọc thành chùm, thân cây trở nên lùn thấp.

Bộ ba: đạm, lân, kali là 3 nguyên tố đa lượng chính mà cây lan sử dụng nhiều nhất để tăng trưởng, ra rễ, ra chồi, ra lá, ra hoa, đậu trái. Chúng bổ sung lẫn nhau để thúc đẩy phát triển.

2. Nguyên Tố Vi Lượng.

Nhưng muốn điều hòa sinh trưởng để cho cây lan hấp thụ tốt nhất các loại phân đa lượng trên, cần phải có thêm những nguyên tố rất cần thiết khác để giúp cây phát triển đồng bộ như vôi, magné, sulfur, sắt đồng, kẽm, mangan, bor, molipden vv…gọi là nguyên tố vi lượng

a. Sulfur (S) :

Là nguyên tố vi lượng quan trọng, cần thiết cho sự hình thành tế bào sinh trưởng. Vì vậy, trong các loại phân như K2SO4, MgSO4, (NH4)2SO4 có chứa rất nhiều các nguyên tố S nên cây lan ít khi bị thiếu Sulfur, trừ khi người trồng lan không tưới phân. Thiếu S thì cây lan cằn cỗi, lá bị vàng như bị thiếu đạm, cây lan trở nên èo uột, ốm yếu. Vì vậy, trồng lan trong chậu luôn luôn phải tưới phân, cây lan mới đủ dinh dưỡng.

b. Calcium (Ca) :

Ca (vôi) là nguyên tố vi lượng cần thiết để tạo vách tế bào và giúp cho cây lan hấp thụ được nhiều đạm, tăng trưởng nhanh.

Nếu vườn lan tưới bằng nước giếng có nhiều vôi thì sẽ thừa vôi, làm cho cây lan hấp thụ quá nhiều đạm , cây lan trở nên quá mập, tàn lá rợp xuống, dễ bị gãy, đồng thời dư vôi cũng làm cho cây lan không hấp thụ được chất sắt (Fe), cây cành thêm mểm yếu dễ bị đổ ngã. Trường hợp này nên xem xét lại nước tưới có nhiều vôi hay không để giảm bớt.

Thiếu vôi thì cây lan ít hấp thụ đạm, không phát triển rễ, lá sẽ nhỏ, cây ốm yếu, không đứng thẳng được. Gặp trường hợp này nên thêm vôi.

c. Magnésium (Mg) :

Magné là ngưyên tố vi lượng cần thiết giúp cho cây lan tạo được diệp luc tố, điều hoà sinh trưởng để cây lan phát triển cân đối.

Nếu dư Magné thì lá già xanh đậm, nhưng đọt non lại bị khô héo. Nên ngưng ngay tưới phân có chứa Mg.

Còn thiếu Mg thì bộ rễ phát triển to mập, nhưng thân lá lại èo uột, không cân đối giữa rễ và thân lá. Trong trường hợp này phải tưới thêm Mg.

d. Sắt (Fe) :

Sắt là nguyên tố vi lượng góp phần tạo lập lục diệp tố, giúp cây quan hợp tốt, làm cho lá có màu xanh, hoa có màu sắc tươi đẹp. Cây lan chỉ cần rất ít nguyên tố sắt, vì ở TPHCM ánh sáng rất nhiều, cây lan lúc nào cũng cần có sắt để quang tổng hợp, nhất là vào mùa hè phải tưới thêm sắt để cho cây khoẽ mạnh, mập mạp lá xanh tươi.

Nhưng không nên tưới nhiều sắt quá, nó sẽ làm cho lá cây lan có màu xanh đậm khác thường và làm cho tế bào trong rễ cây bị kết tủa, các đầu rễ trở nên đen và thối làm chết cả rễ, làm cho cây không hấp thụ được dưỡng chất, ngưng phát triển.

Nếu thiếu sắt, cây lan sẽ thiếu quang hợp, lá sẽ nhạt màu, dẫn dến thiếu các chất khác, không điều chế được chất đường glucose, cây sẽ ngưng phát triển. Cho nên người trồng lan phải luôn luôn xem màu sắc của lá cây, màu sắc của đầu rễ cây, khi thấy lá thiếu màu xanh thì nên tưới thêm sắt.

e. Đồng (Cu) :

Đồng là nguyên tố vi lượng tập trung ở lục diệp, giúp cho cây thêm xanh. Nhưng cây lan ít khi nào thiếu đồng vì trong các thuốc trừ nấm, trừ sâu rầy thường có chứa nhiều đồng. Khi thiếu đồng thì ảnh hưởng đến lá non ngay, lá bạc tái, mất màu xanh diệp lục tố, Xảy ra trước tiên ở bìa lá, mất màu xanh và đầu lá có đốm trắng rồi khô héo. Cùng một lúc, nhiều chồi con mới đua nhau mọc lên ở dưới gốc, nhưng ngọn sẽ chết dần.

Thấy hiện tượng này nên tưới thêm đồng hoặc phun thuốc trừ nấm, trừ sâu rầy, có chứa chất đồng như Sulfat đồng (CuSO45H2O).

f. Kẽm (Zn) :

Kẽm là nguyên tố vi lượng rất quan trọng, giữ vai trò sản sinh tổng hợp protéin và auxin. Cây lan cần rất ít kẽm, nhưng khi thiếu kẽm, lượng protéin trong cây giảm, cây sinh trưởng kém, có vấn đề ngay đỉnh ngọn, đốt mắt ngọn sẽ ngắn lại, các lá mọc chụm lại, cây lùn thấp. Nguyên nhân chính là do nước tưới chứa quá nhiều kiềm, có độ PH lớn hơn 6,5 và trong nước có nhiều vôi và lân. Một nguyên nhân nữa cần nên tránh, đó là tưới thúc phân lân quá nhiều để kích thích ra hoa, giữa lân và kẽm thường có đối kháng. Khi tưới nhiều lân tức làm cho cây không hấp thụ được kẽm và xảy ra thiếu kẽm, gây tác hại đến lá ngọn, có khi lại không cho hoa được.

Gặp trường hợp thiếu kẽm thì nên tưới thêm phân có sulfat kẽm (ZnSO4), đồng thời giảm tưới lân và để ý xem trong nước tưới có chứa nhiều vôi qúa hay không, có nhiều kiềm lắm không, độ PH phải dưới 6,5. Thông thường độ PH để tưới lan phải từ 5,5 đến 6.

g. Mangan (Mn) :

Mangan là nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho phản ứng phân ly nước trong quang hợp để thu lấy Hydrô (H) và nhả Ôxy ra không khí, đồng thời cũng giúp cây lan hấp thụ đạm. Cũng như kẽm, khi nước để tưới lan có nhiều vôi và qúa kiềm thì sẽ dẫn đến thiếu mangan thể hiện rõ trên lá non hơn là trên lá già, nhưng rất ít thấy. Trường hợp thiếu mangan thì tưới thêm phân Sulfat mangan (MnSO43H2O).

h. Molypden (Mo) :

Molypden là nguyên tố vi lượng giữ vai trò quan trọng giúp cây lan hấp thụ đạm và cố định đạm tự do từ khí quyển. Trái với các vi lượng khác, Mo rất dễ tiêu. Bón lân làm tăng lượng Mo đối với cây lan. Mo cũng có tác dụng gần như đạm, triệu chứng thừa thiếu Mo cũng giống triệu chứng thứa thiếu đạm. Phân Mo rất dễ hoà tan trong nước . Nếu thiếu Mo thì tưới thêm phân Molypdat natri (NaMoO4.2H2O) có chứa 39% Mo.

Kết luận :

Cây lan tiêu thu rất ít các loại phân vi lượng, nhưng không thể thiếu được. Chúng ta nên chú ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây lan để cây lan lúc nào cũng mập mạp tốt tươi, ra nhiều hoa, phát hoa dài, đẹp và lâu tàn.

3. Nguyên Tố Không Khí.

Cây phong lan là cây thường mọc trên thân cây, có nhiều rễ gió, rễ trong không khí. Nhờ vậy cây lan hấp thụ được dưỡng chất trong không khí. Có một số phân vô cùng quí báu trong không khí mà ít ai ngờ tới. Đó là Ôxy, Hydrô, Carbone.

a. Carbone (C) :

Carbone là nguyên tố chính yếu có mặt ở khắp nơi cùng với Hydrô và Ôxy để tạo nên các chất phức tạp như Acide amine, protéin vv… cây lan có khả năng có khả năng hấp thụ các dưỡng chất trên qua hơi nước và không khí.

Các nhà hoá học đã phân tích những thành phần cấu tạo của thực vật, trong đó có phong lan, bao gồm hơn 60 nguyên tố với 9 nguyên tố có hàm lượng cao, có thể gọi là nguyên tố đa lượng như:

– Crabone (C) có tỷ lệ 500g/kg

– Hydrô (H) có tỷ lệ 70g/kg

– Ôxy (O) có tỷ lệ 400g/kg

– Nitơ (N) có tỷ lệ 30g/kg

– Phospho (P) có tỷ lệ 5g/kg

– Kali (K) có tỷ lệ 40g/kg

– Lưu quỳnh (S) có tỷ lệ 6g/kg

– Magné (Mg) có tỷ lệ 7g/kg

– Canxi (Ca) có tỷ lệ 20g/kg

Còn các nguyên tố sau đây có hàm lượng rất nhỏ, nên gọi là nguyên tố vi lượng :

– Sắt (Fe) có tỷ lệ 10mg/kg

– Mangan (Mn) có tỷ lệ 1mg/kg

– Đồng (Cu) có tỷ lệ 1,0mg/kg

– Kẽm (Zn) có tỷ lệ 1,0mg/kg

– Bore (Bo) có tỷ lệ 1,0mg/kg

– Coban (Co) có tỷ lệ 0,1mg/kg

– Molypden (Mo) có tỷ lệ 0,1mg/kg

– Iod (I) có tỷ lệ 0,1mg/kg vv…

Các chất vi lượng rất đa dạng, không thể nào kể ra hết được, nhưng chúng không kém phần quan trọng như các nguyên tố đa lượng. Hiệu quả của phân bón phụ thuộc vào sự có mặt các nguyên tố vi lượng nầy, chúng ta nên quan tâm sử dụng cho đầy đủ.

b. Hơi nước :

Hơi nước đọng lại thành nước (H2O). Hôi nước giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định đến dinh dưỡng của cây lan. Các chất phân đều phải hoà tan trong nước, dẫn đến các tế bào lông hút thì mới hấp thụ được phân. Cây lan hấp thụ rất nhiều nước để tiêu thụ phân và cũng thoát ra rất nhiểu hơi nước, nhất là trong mùa nắng, ví vậy mà các giã hành thường bị teo lại vào mùa này.

Tốt nhất là vườn lan phải có hệ thống tưới phung sương để cung cấp đủ nước cho cây lan.

c. Ôxy (O) :

Ôxy cũng rất quan trọng để cho tế bào cây lan hô hấp, trao đổi với không khí trong gió. Cho nên giàn lan phải thông gió để có đủ lượng ôxy, hơi nước, hydrô, giúp cơ chế đóng mở các khí khổng của tế bào trên bề mặt của lá, thúc đẩy sự vận chuyển các chất ra vào tế bào.

Các chất vi lượng rất phức tạp, rất ít, nhưng đã được các nhà khoa học khẳng định là chúng rất quan trọng không thua gì các chất đa lượng, tạo điều kiện cho sự sinh sống bình thường của cây lan.

Xem thêm

3 thực phẩm có tác dụng giảm đau tự nhiên

Sử dụng quá nhiều hóa chất vào cơ thể chính là nguyên nhân chủ yếu …

Vai trò của rau củ quả đối với phụ nữ sau khi sinh

Trong kinh Phật có nói với tôn giả Anan rằng để phân biệt xương đàn …