Trang chủ / Kỹ thuật trồng cây / Bài thuốc từ cây lộc vừng

Bài thuốc từ cây lộc vừng

Cây Lộc vừng hay còn gọi là cây chiếc, cây lộc vừng. Tên khoa học Barringtonia acutangula L., (Barringtonia spicata), thuộc họ Lecythidaceae. Trong vùng Đông Nam Á, cây lộc vừng mọc nhiều ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

loc vung nen nenCây lộc vừng trong quan niệm phong thủy

Trong cây cảnh, lộc vừng được xếp vào tứ quý “sanh, sung, tùng, lộc”. Một số nhà phong thủy học cũng xếp lộc vừng vào một trong ba loài cây ứng với tam đa sinh vật cảnh “phúc, lộc, thọ” (phúc là cây sung, lộc là cây lộc vừng, thọ là cây vạn tuế). Hiện cây đang được những người chơi cây cảnh trong nhà và các văn phòng công sở rất ưa chuộng vì ý nghĩa nó trong phong thủy. Theo ông cha xưa thì “lộc” ứng với tài lộc, “vừng” giống “mè” ứng với nhỏ nhưng nhiều và sung túc, hoa màu đỏ tượng trưng cho hỷ sự (chuyện vui trong nhà).

Cây Lộc vừng trong y học

Trong lá, trái và hạt lộc vừng có chứa nhiều saponin gồm barringtosid A, B, C (thuộc nhóm olean hàm lượng rất cao), acid trihydroxy triterpene monocarboxylic, acid acutangulic, tangulic, acid béo, acutagenol A, acutagenol B, triterpenoid sapogenols, barringtogenols, B, C, D, E, stigmasterol… Trong vỏ cây còn chứa các chất như 3,3’-dimethoxy ellagic acid, dihydromyticetin…. Thành phần dinh dưỡng khác gồm tinh bột, protid, cellulose và chất béo.

 Chất chiết của hạt lộc vừng hoa đỏ được nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy có tác dụng chống ung thư. Kết quả nghiên cứu đã được báo cáo bởi TS. Samanta SK. Nhattacharya. Mandal C. Pal BC (công bố trên tạp chí Journal of Asian Natural Products Research năm 2010). Lộc vừng có khả năng chống vi khuẩn Helicobacter pylori, là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm loét và ung thư dạ dày…

Những chất được ly trích từ cây lộc vừng có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Lộc vừng còn có khả năng kháng trùng, kháng khuẩn và kháng nấm. Chiết xuất từ tinh dầu thô cho tác động tốt với cả vi khuẩn gram âm và gram dương (đối chiếu với kanamycin và fluconazol). Dịch chiết ethanol của lộc vừng còn tác dụng tốt trên một số vi trùng gây nhiễm trùng đường tiểu.

Lộc vừng cũng có tác động trên ký sinh trùng đường ruột và sốt rét (thử nghiệm dương tính trên chuột được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Sri Lanka đối chứng với Cinchonin).

Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây lộc vừng đều có thể dùng làm thuốc như: nước ép lá lộc vừng tác dụng trong bệnh tiêu chảy và bệnh lỵ. Rễ lộc vừng dùng làm thuốc hạ sốt, giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, chữa ho, hạ đường huyết. Trái lộc vừng kích thích tuyến sữa, trừ giun sán, tăng tiết mật… Trái ngâm rượu ngậm chữa đau răng, đau nướu. Hạt lộc vừng phối hợp với nước ép gừng để chữa cảm lạnh và đi tả. Hạt còn được dùng để chữa chứng tinh dịch ít, bệnh lậu và giang mai. Vỏ lộc vừng có tác dụng giải nhiệt, chữa sốt rét.

Đọt và lá cây lộc vừng được nhiều người ưa chuộng và thường dùng làm rau ăn ở một số nước vùng Đông Nam Á, đặc biệt ở vài vùng Nam bộ nước ta xem lộc vừng như một loại rau đặc sản để ăn sống và nấu canh chua. Để làm thuốc nên dùng đúng liều lượng 8 – 12 g/ngày.

Dù cây lộc vừng có nhiều tác dụng tốt trong y học nhưng tốt nhất khi sử dụng cần nên tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe; không nên lạm dụng vì những tác dụng phụ có thể xảy ra trên cơ địa của từng người. Nên hạn chế ăn rau luộc từ lộc vừng, mặc dù hiện nay có nhiều người ca tụng loại rau này và xem nó là một trong những món ăn thời thượng trong các nhà hàng với tên gọi “rau rừng”.

Bài thuốc từ cây lộc vừng

Chữa trĩ từ lá lộc vừng: một nhánh lá cây lộc vừng tươi, khoảng 20 g lá bánh tẻ (không non quá, không già quá) rửa bằng nước nhiều lần cho thật sạch, lần cuối rửa bằng nước sôi để nguội, để ráo nước, buổi tối trước đi ngủ khoảng 15 phút, nhai lá cây, nuốt lấy nước, bã gói vào miếng gạc đắp vào hậu môn. Thuốc có tác dụng chống viêm, co mạch, cầm máu. Một đợt 7 – 10 ngày.

Chữa đau bụng, tiêu chảy có sốt: cạo bỏ lớp bần bên ngoài, rửa sạch, xắt phiến, phơi hoặc sấy khô được dùng làm thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy, sốt, do vỏ chứa nhiều tanin (16%). Khi dùng, lấy 8 – 16 g vỏ sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Chữa đau răng: trái lộc vừng còn xanh, nghiền nhỏ ngâm với rượu, ngậm vài phút nhổ nước chữa đau răng…

 

 

DS. Lê Kim Phụng (Trường đại học y dược TP.HCM)-khoahocphothong.com.vn

Xem thêm

Cách giảm đau vai gáy bằng vật liệu có sẵn trong gia đình

Cuộc sống hiện đại và văn phòng khiến cho nhiều người mệt mỏi vì chứng …

Rau chùm ngây có rất nhiều ở Việt Nam.

Chưa có bài thuốc, lá cây nào chữa khỏi được ung thư

Đó là khẳng định của các chuyên gia đầu ngành về ung thư khi gần …