Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Phương pháp trừ ruồi gây hại Dendrobium

Phương pháp trừ ruồi gây hại Dendrobium

Ruồi gây hại Dendrobium là mối bận tâm của các nhà vườn trồng lan và cả những bạn đọc thích trồng lan tại nhà.

     Theo kỹ  sư Nguyễn Thị Hòa – công ty SPC, thì loài ruồi gây hại Dendrobium có tên khoa học là Contarinia macu – Lipennis.

     Những nhà vườn có kinh nghiệm quan sát, thời gian ruồi gây hại Dendrobium xuất hiện trong ngày là vào lúc trời có nắng (khoảng 9g – 15g). Vị trí chúng thường đậu là ở cuối phát hoa và đẻ trứng vào đó. Trứng sau khi nở ra sẽ thành ấu trùng (dời) và chui vào trong các nụ hoa nhỏ, còn non làm cho các nụ hoa bị nhũn rồi rụng hoặc làm hoa biến dạng.

ruồi gây hại Dendrobium
ruồi gây hại Dendrobium, chúng thường chui vào các nụ hoa gây thối nhũn

Lúc mới nở ấu trùng có màu trắng, khi lớn hơn chúng có màu vàng dài khoảng 1,5 – 2mm, lớn hơn sợi tóc chúng ta một chút số lượng ấu trùng trên mỗi nụ hoa có thể đạt tới vài chục con.

     Ruồi gây hại Dendrobium có khả năng di chuyển rất xa bằng cách uốn cong thân và bụng, với khoảng cách có thể trên 10cm. Chính nhờ đặc điểm này mà khi rời khỏi nụ hoa chúng có thể chui sâu vào chất trồng như xơ dừa, đất… và hóa thành nhộng rồi lột xác thành ruồi trưởng thành.

     Thuốc diệt ruồi gây hại Dendrobium hiện nay có khá nhiều nhưng vấn đề là cách diệt, vì diệt không đúng cách sẽ gây hư hoa; còn nếu sử dụng liên tục một loại thuốc sẽ gây ra tình trạng lờn thuốc (kháng thuốc). Ngoài ra nếu không hiểu cách tác động của thuốc mà phun xịt lung tung thì khó mà đem lại hiệu quả .Thêm nữa, vì vòng đời của ruồi từ lúc là trứng đến khi trưởng thành khá dài (21 – 32 ngày) nên chúng ta cần phải kết hợp tiêu diệt cả ấu trùng và ruồi trưởng thành thì hiệu quả mới cao.

     * Cách diệt ruồi gây hại Dendrobium

1. Ưu tiên thường xuyên kiểm tra vườn để loại bỏ toàn bộ các phát hoa và nụ hoa bị nhiễm, cho vào túi nylon rồi đem đốt ngay hoặc cột chặt miệng bao lại chúng sẽ bị ngộp chết sau vài ngày hay có thể đổ nước sôi vào bao. Mục đích của việc này là làm giảm mật độ của ruồi gây hại Dendrobium

    * Lưu ý: không được để bao hở vì chúng sẽ bò ra ngoài và tuyệt đối không đổ hoa chưa xử lý vào hố chôn rác.

2. Sử dụng thuốc trừ sâu Secsaigon, Shepa… pha với nồng độ cao nhất cho phép và kết hợp với chất bám dính càng tốt vì đây là thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc.

  

Thuốc trừ sâu Secsaigon
Thuốc trừ sâu Secsaigon

* Thực hiện:

     – Dùng chai nhựa có đầu vòi nhỏ giọt, nhỏ thuốc lên đoạn cuối của chóp phát hoa một đoạn khoảng 2 – 3cm (kể cả phát hoa mới ra còn ngắn)

     -Ta cũng có thể dùng cọ có lông mềm hay bông gòn nhúng vào thuốc  rồi phết lên phát hoa. Cách này rất phù hợp với số lượng vài trăm chậu lan, vì lượng thuốc dùng chưa tới 1ml (1cc). Nếu số lượng chậu lan nhiều thì dùng bình phun cục bộ (chỉ phun vào phát hoa) để giảm lượng thuốc sử dụng.

     * Lưu ý:

     – Cách làm thứ 2 này chỉ diệt được ruồi và dòi khi chúng ở bên ngoài và tiếp xúc (chạm phải) thuốc, còn khi dòi đã chui vào bên trong nụ hoa thì không có tác dụng.

     -Về thời gian thực hiện thì nên làm vào buổi sáng khi nắng chưa gắt (cường độ ánh sáng yếu) để không làm cháy phát hoa.

     – Khi phết thuốc phát hoa phải khô ráo.

     – Lịch phết thuốc là làm cách ngày (ngày làm, ngày nghỉ do thuốc chỉ có tác dụng bám dính bên ngoài nên việc tưới nước cùng với ánh sáng và nhiệt độ cao sẽ làm thuốc mau chóng giảm tác dụng), đến khi nào phát hoa không còn búp non thì mới ngưng.

3. Dùng thuốc có tên hoạt chất là Methomyl, có tên thương mại là Lannate, pha 2 – 3 g/ 1lít nước cùng với chất bám dính và thực hiện giống như cách 2 (đây là thuốc có tác động lưu dẫn, chất bám dính sẽ giữ thuốc lại không cho thâm nhập vào cây),

Thuốc trừ sâu Lannate
Thuốc trừ sâu Lannate

Trường hợp dùng thuốc này mà không pha với chất bám dính phun ướt toàn cây, lá thì sẽ tiêu diệt được cả dòi bên trong nụ hoa. Và cũng không nên phun liên tục vì vấn đề môi trường hiệu quả kinh tế và khả năng gây ra kháng thuốc…

4. Hiện nay cũng có nhiều vườn dùng chất dẫn dụ có pha thuốc để bẫy ruồi đực, mục đích không cho chúng giao phối với ruồi cái. Tuy nhiên, với phương pháp này cần phải chú ý đến vị trí treo bẫy ruồi: nên đặt bẫy trên gió và cách xa vườn lan. Vì nếu để trong vườn chẳng khác nào ta “cõng rắn cắn gà nhà”!

Theo các nhà vườn, những cách trị ruồi gây hại Dendrobium trên chưa phải là tối ưu, nhưng có thể ngăn chăn được ruồi, ta có thể sử dụng luân phiên Secsaigon và Lannate ( nhưng hạn chế sử dụng Lannate vì độc tính cao), đồng thời tìm và thử nghiệm nhiều loại thuốc khác để chống việc kháng thuốc

  Trongraulamvuon Sưu tầm