Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Phòng trừ sâu nái hại cây trồng

Phòng trừ sâu nái hại cây trồng

Từ lâu, sâu nái được xem là một loại sâu hại thứ yếu, gây hại trên dừa với mật độ rãi rác không đáng kể nên không được nông dân quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay sâu nái đang bộc phát gây hại với mật số rất cao. Trong tháng 6/2013 Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre đã phát hiện sâu nái phát triển và gây hại trên hàng trăm ha dừa ở xã Hưng Nhượng huyện Giồng Trôm và trên cây dâu ở xã Tiên Long huyện Châu Thành. Ngoài ra, chúng còn phá hại nhiều loại cây trồng khác như nhãn, chôm chôm, chuối, dừa nước…. Đây là một hệ quả của sự biến đổi khí hậu cùng với sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đưa đến hệ sinh thái ngoài thiên nhiên bị phá vỡ, gây bộc phát những loài sâu hại thứ yếu

sâu nái
sâu nái trên cây ăn trái

Sâu nái có tên khoa học Parasa lepida Cram, thuộc họ Limacodidae, bộ Lepidoptera(Cánh vẩy). Trưởng thành sâu nái là một loài bướm màu xanh lá cây,  có một đốm màu nâu ở gần cạnh trước và dọc cạnh ngoài của cánh trước và cánh sau có một đường viền lớn màu nâu nhạt với đường viền màu nâu đậm ở phía ngoài. Bướm sải cánh 35-40 mm. Sâu non màu xanh lá cây, có kích thước lớn, dài khoảng 25-30 mm, có nhiều chùm lông sắp xếp đều đặn dọc theo thân sâu, 4 chùm lông ở gần đầu và phía sau đuôi màu đỏ và ngắn. Nhộng dài khoảng 15 mm, được bao bọc bởi kén màu nâu, bên ngoài phủ một lớp tơ trắng. Trứng trơn láng có hình tròn hoặc bầu dục, thường được đẻ ở mặt dưới lá , thành từng nhóm từ 10-20 trứng. Giai đoạn trứng khoảng 7 ngày, giai đoạn sâu non 40 -45 ngày, giai đoạn nhộng 30-45 ngày, giai đoạn trưởng thành 7-10 ngày.

Bướm sâu nái
Bướm sâu nái

Bướm thường vũ hóa vào buổi chiều.  Bướm đẻ trứng riêng lẻ hoặc từng ổ trên lá. Bướm hoạt động về đêm và bị thu hút bởi ánh sáng đèn.

Phá hại chủ yếu là giai đoạn ấu trùng. Sâu non ăn các phần non mềm của lá, chỉ chừa lại phần gân lá. Tuổi sâu càng lớn sức ăn càng mạnh, ăn khuyết cả lá. Mật độ cao, sâu ăn toàn bộ lá làm cây xơ xác, không quang hợp dẫn đến giảm năng suất.  Trên cây dừa, sâu nái thường ăn những lá già nhưng trên cây ăn trái sâu ăn cả lá non. Ban ngày sâu nằm bất động ở mặt dưới lá. Sâu rất ngứa khi chạm phải vì các lông nhọn và dễ gãy trong da, chổ gãy của lông sẽ tiết ra chất độc gây ngứa hoặc cảm giác nóng bỏng, rát khi tiếp xúc với da người.

*Biện pháp phòng trừ

– Sâu nái có nhiều thiên địch ký sinh như  ruồi ký sinh nhộng (Tachinids) và ong ký sinh (Hymonopterans) ký sinh sâu non, vì thế nên tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát triển.

– Sử dụng bẩy đèn để tiêu diệt trưởng thành của sâu nái.

– Vì kích thước sâu nái khá lớn nên có thể dễ dàng phát hiện sự hiện diện của sâu non và nhộng trên cây trồng, bắt bằng tay tiêu diệt chúng nếu cây tơ còn nhỏ. Tuy nhiên, sâu có thể gây ngứa nên sử dụng bao tay khi bắt.

– Ở những vùng sâu nái xuất hiện mật độ cao, có thể phun thuốc gốc Cúc tổng hợp như Sherpa, Map Permethrin, Cyperan,…

 

Nguồn : sonongnghiep.bentre.gov.vn

Xem thêm

Ứng dụng axit humic và rong tảo để sản xuất hoạt chất kích thích sinh học

Ngày nay, các loại hoạt chất kích thích sinh học được sử dụng ngày càng …

Phương pháp mới giúp tăng năng suất cây trồng không cần dựa vào biến đổi gen hay thuốc trừ sâu

Một loại vi khuẩn tương tự như vi khuẩn trong dạ dày của con người …