Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Những điều cần biết về thuốc bảo vệ thực vật-P3

Những điều cần biết về thuốc bảo vệ thực vật-P3

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những chất dùng diệt trừ dịch hại hoặc dẫn dụ dịch hại đến để diệt trừ.

Thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật

1. Tính chống thuốc của dịch hại

 Là khả năng của dịch hại ngày càng chịu được lượng thuốc cao hơn so với lúc đầu. Tính chống thuốc hình thành là do sử dụng một loại thuốc liên tục nhiều lần làm cho sâu quen dần với thuốc và trở nên chống thuốc (kháng thuốc). Có những loại thuốc và những loại dịch hại mau trở nên chống thuốc hơn những loại  thuốc và dịch hại khác. Các thuốc tác động qua đường thần kinh, nhất là thuốc Cúc tổng hợp, mau làm cho sâu quen thuốc. Các loại bọ trĩ, rầy nâu, sâu tơ, sâu xanh da láng…cũng mau quen thuốc hơn các loại sâu khác.

Sự hình thành tính chống thuốc là một trở ngại lớn đối với sản suất do làm cho hiệu quả phòng trừ của thuốc ngày càng giảm, phải tăng nồng độ và liều lượng thuốc, từ đó làm tăng chi phí và tăng ô nhiễm. Trong thực tế, tính chống thuốc đã được ghi nhận với nhiều loại thuốc và nhiều loại sâu. Với bệnh hại và cỏ dại, tính chống thuốc ít xảy ra hơn.

 Để hạn chế tính chống thuốc, chủ yếu là sử dụng luân phiên thay đổi loại thuốc và áp dụng nguyên tắc “4 đúng” để tăng hiệu quả của thuốc.

2. Sự bùng phát dịch hại

 Nhiều trường hợp sau thời gian dùng thuốc phòng trừ, dịch hại chỉ giảm nhất thời sau đó lại phát triển nhiều và gây hại nặng hơn hoặc hình thành những loại dịch hại  chủ yếu mới. Có 3 nguyên nhân chính:

– Diệt mất nhiều thiên địch: điển hình với rầy nâu hại lúa.

– Diệt hại hình thành tính chống thuốc: sâu tơ, sâu xanh da láng.

– Phá vở sự cân bằng dịch hại: dùng nhiều thuốc 2,4 D diệt cỏ năn lác và lá rộng trong ruộng lúa làm cho cỏ hòa bản, (lồng vực, đuôi phụng) ít bị cạnh tranh và còn được kích thích nên phát triển nhiều. Dùng nhiều thuốc trừ sâu có thể làm nhện phát triển do thuốc trừ sâu không diệt được nhện.

3. Tính độc và độ độc

3.1Tính độc:

Là khả năng gây hại của thuốc với cơ thể sinh vật chỉ với một lượng nhỏ. Các thuốc BVTV đều có tính độc  hại với người, gia súc và các sinh vật khác.

3.2 Độ độc:

Là mức độ của tính độc. Thuốc thể hiện tính độc ở liều lượng càng nhỏ là độ độc càng cao.

  Độ độc được biểu thị bằng liều gây chết trung bình (LD50) là liều thuốc thấp nhất có thể làm chết 50% số cá thể sinh vật làm thí nghiệm (thường là chuột), tính bằng mg thuốc/ 1 kg trọng lượng cơ thể. Như vậy cũng tức là trị số LD50 càng  thấp thì thuốc có độ độc càng cao.

 LD50 tác động qua đường miệng (vị độc) khác với qua đường da (tiếp xúc). Thí dụ thuốc trừ sâu Cypermethrin có LD50 qua miệng (chuột) là 250mg/kg, qua da là 1.600 mg/kg.

  Dựa vào trị số LD50 chia thành cấp độc (nhóm độc). Mỗi cấp độc có các biểu tượng khác nhau thể hiện trên nhãn thuốc.

  Thí dụ chất Cypermethrin có LD50 = 250 mg/kg thuộc cấp độc II. Chất Buprofezin có LD50 = 2.198 mg/kg thuộc cấp độc III.

 Tính độc còn chia thành độc cấp tính và độc mãn tính. Độc cấp tính là độc tức thời (biểu thị bằng LD50). Có loại thuốc với lượng ít chưa biểu hiện độc ngay và tích lũy dần trong cơ thể đến lúc nào đó mới có biểu hiện gây độc, gọi là độc mãn tính. Độc mãn tính thường bị ở người và gia súc.

3.3 Độc tính dư lượng và thời gian cách ly:

Các loại thuốc sau khi phun lên cây trồng thường để lại một lượng thuốc có thể gây độc cho người và gia súc khi ăn uống nông sản đó, gọi là độc tính dư lượng. Trong thực tế dư lượng chỉ có thể gây độc cho người khi đạt tới một mức độ nhất định, gọi là dư lượng tối đa cho phép (MRL, tính bằng mg thuốc trong 1 kg nông sản), dưới mức này có thể không gây độc. Dư lượng tối đa cho phép khác nhau với các loại thuốc và các loại nông sản.

Cần phải có một thời gian để thuốc phân hủy xuống dưới mức dư lượng tối đa cho phép không có khả năng gây độc nữa, gọi là thời gian cách ly. Trong thực tế, thời gian cách ly được tính từ ngày phun thuốc lần cuối đến khi thu hoạch nông sản, được tính bằng ngày. Thời gian cách ly cũng khác nhau với các loại thuốc và các loại nông sản, nói chung thường từ 7-14 ngày, phụ thuộc vào độ độc và khả năng phân hủy của thuốc trong tự nhiên và trong nông sản.

Các loại thuốc có độ độc cấp tính cao, có khả năng gây độc mãn tính hoặc lưu tồn lâu trong môi trường sẽ bị cấm hoặc hạn chế sử dụng

Nguồn : Cẩm nang bác sĩ cây trồng -KS. Nguyễn Mạnh Chinh

Xem thêm

Cách trồng rau sạch của người Hà Lan mà bạn không ngờ tới

Với các công nghệ của GrowWise, việc sử dụng thuốc sâu và các loại hóa …

Mô hình nông nghiệp công nghệ sinh thái

Mô hình nông nghiệp“Công nghệ sinh thái” được ứng dụng thí điểm tại tỉnh An …