Trang chủ / Kinh nghiệm làm vườn / Giảm sử dụng thuốc trừ sâu cho đậu nành

Giảm sử dụng thuốc trừ sâu cho đậu nành

Qua kết quả nghiên cứu đề tài “Ảnh hưởng của việc cắt bỏ lá sau trổ đến sự sinh trưởng và phát triển của giống đậu nành MTĐ517-8 (Glycine max)”, nhóm nghiên cứu Lê Vĩnh Thúc, Mai Vũ Duy, Lê Việt Dũng, Nguyễn Lộc Hiền và Nguyễn Phước Đằng, Trường đại học Cần Thơ cho rằng, ở mức thiệt hại lá 25% ở giai đoạn bắt đầu trổ hoa không ảnh hưởng lên chiều cao cây, số nhánh, năng suất hạt, khối lượng 100 hạt và chỉ số thu hoạch. Với kết quả thí nghiệm này, thiệt hại lá sau trổ hoa ở mức 25% diện tích lá thì có thể không cần sử dụng thuốc trừ sâu.

dau nanh nenĐậu nành có khả năng cố định đạm từ khí trời và được xem là cây trồng để cải thiện cấu trúc và tăng độ màu mỡ cho đất. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cây đậu nành được chọn để luân canh với lúa, làm tăng hiệu quả kinh tế hơn là độc canh cây lúa. Việc luân canh cây trồng trên đất lúa ngày càng được quan tâm vì cắt đứt nguồn sâu bệnh lây lan và cải tạo độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho đậu nành khi không cần thiết, vừa gia tăng ô nhiễm môi trường, vừa tăng thêm chi phí cho sản xuất đậu nành. Biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) là một trong những xu hướng phòng trừ sâu bệnh thân thiện môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với biện pháp này, cần xác định được ngưỡng thiệt hại để sử dụng thuốc trừ sâu mà cây trồng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Trên đậu nành, cây bị thiệt hại do sâu ăn lá rất cao, thiệt hại lá sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và chất lượng hạt, nhưng ở từng giai đoạn thiệt hại lá sẽ ảnh hưởng đến năng suất khác nhau.

Có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng việc thiệt hại lá từ lúc cây bắt đầu ra hoa, nở, đến lúc thu hoạch chưa có nghiên cứu cụ thể công bố, vì vậy đề tài này được thực hiện nhằm xác định ngưỡng thiệt hại lá để đề nghị áp dụng thuốc hóa học phù hợp cho đậu nành MTĐ517-8.

Thí nghiệm trồng trong chậu được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, 6 lần lặp lại (3 cây/chậu). Bốn nghiệm thức của thí nghiệm là không cắt lá (đối chứng), cắt 25, 50 và 75% diện tích lá khi cây ở giai đoạn bắt đầu ra hoa. Kết quả thí nghiệm cho thấy ở mức thiệt hại lá 25% ở giai đoạn bắt đầu trổ hoa không ảnh hưởng lên chiều cao cây, số nhánh, năng suất hạt, khối lượng 100 hạt và chỉ số thu hoạch. Với kết quả thí nghiệm này, thiệt hại lá sau trổ hoa ở mức 25% diện tích lá thì có thể không cần sử dụng thuốc trừ sâu.

Theo khoahocphothong.com

Xem thêm

Cách tự ủ phân cá, trùn, bánh dầu phộng, đậu nành

Phân hữu cơ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trồng cây tuy nhiên làm sao tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn dinh dưỡng đó lại là vấn đề khác. Dưới đây xin chia sẻ kinh nghiệm cách tự ủ phân cá, trùn, bánh dầu phộng và đậu nành .

Cách trị sâu bệnh hại cây sầu riêng (Phần 3)

Sâu bệnh hại cây sầu riêng là phần đau đầu nhất của nhà nông khi trồng loại cây ăn trái này. Vì vậy tiếp tục trong loại bài chia sẻ "kinh nghiệm cách trồng sầu riêng " không thể thiếu phần chia sẻ kinh nghiệm trong việc trị và phòng ngừa sâu bệnh hại cây sầu riêng.