Trang chủ / Cách trồng rau / Vị thuốc từ lá trầu không

Vị thuốc từ lá trầu không

Cây trầu không hay còn gọi là trầu có tên khoa học là Piper betle L. (Piper siriboa L.) thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae. Cây trầu không có nguồn gốc từ vùng châu Á nhiệt đới ( Ấn Độ, Malaysia) và gây trồng rộng rãi để lấy lá ăn trầu, ngày nay cây trầu không còn sử dụng làm cây cảnh như cây dây leo do có lá đẹp và dễ trồng.

Vị thuốc từ lá trầu không được dân gian sử dụng từ lâu nhờ đặc tính kháng khuẩn rất mạnh .

1. Mô tả cây trầu không

Cây trầu không là loại cây mọc leo bò sát nhờ bộ rễ mấu bám chặt, thân nhẵn, lá mọc so le, cuống có bẹ, dài 1,5-3,5cm, phiến lá hình trái xoan, dài 10-13cm, rộng 4,5 – 9cm, phía cuống hình tim (đối với những lá phía gốc) đầu lá nhọn, khi soi lên thấy rất nhiều điểm chứa tinh dầu rất nhỏ, phiến lá màu xanh bóng nhạt hay pha vàng, hoa khác gốc mọc thành bông, quả tròn mọng.Cây trầu không sống lâu năm.

2. Nhân giống và cách trồng

Cây trầu không nhân giống từ phương pháp giâm cành, cắt hom từ một đoạn cành bánh tẻ có 1-2 chồi và ít rễ phụ, sau đó giâm vào đất tơi xốp đủ ẩm, vài tuần sau các hom giống sẽ ra rễ và lá mới.

Thường trồng cây trầu không dưới các gốc cây thuộc họ cau như cau ăn trầu, cau trắng, cau vua… để trang trí như cây cảnh, còn trồng lấy lá thì cho leo giàn.

Cây trầu không thích hợp nơi đất mùn nhiều dinh dưỡng, thoáng khí, thoát nước tốt.

3. Công dụng vị thuốc từ lá trầu không

Ngoài công dụng dùng để ăn trầu (lá trầu không, vôi, cau và vỏ cây), nhân dân nhiều nơi còn dùng lá trầu không giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào rồi dùng rửa những vết loét, mẫn ngứa, viêm mạch hạch huyết. Nước pha lá trầu không còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em. Ít dùng trong. Chỉ hay dùng ngoài, liều lượng tùy tiện. Có nơi còn giã lá trầu không đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú để cho sữa không ra nữa.

 Khoa học đã nghiên cứu và chứng minh hoạt tính kháng khuẩn đã giải thích được tại sao cây Trầu Không được dân gian sử dụng  trị vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, sâu kiến đốt, bỏng, viêm quanh răng, dùng phòng trị bệnh viêm họng, bệnh bạch hầu; chữa viêm kết mạc, chữa viêm tai, trị đau bụng đầy hơi, tiêu chảy, nôn mửa. Bên cạnh đấy, kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra khả năng trị được mầm bệnh thủy sản của lá Trầu Không , tương lai có thể bào chế thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho gia súc  và động vật thủy sinh từ lá trầu không.

 4. Đơn thuốc có lá trầu không

Chúng ta giới thiệu sau đây đơn thuốc dùng lá trầu không để chữa các vết lở loét, mụn nhọt, vết chàm của trẻ em mới đẻ (Đỗ Tất Lợi). Lá trầu không tươi: 2 hoặc 3 lá, cắt thật nhỏ, cho vào một cốc con. Dội nước sôi vào cho vào cho ngập lá trầu không, làm như khi ta pha chè. Đợi chừng 10-15 phút cho chất thuốc trong lá trầu thôi ra nước. Dùng nước này rửa các vết loét, vết chàm, mụn nhọt.

Ngày làm như vậy 2 hoặc 3 lần, nếu vết loét rửa bằng lá trầu không, còn có nước vàng rỉ ra thì có thể dùng giấy bản đốt lấy tro mà đắp vào, rất chóng khỏi.

Nếu vết loét quá to, thì có thể dùng số lượng lá trầu không nhiều hơn.

Đáng lẽ pha thuốc như trên, ta có thể đem lá trầu không đun với nước cho sôi kỹ để ấm mà dùng.

Nguồn tổng hợp

Join the Forum discussion on this post

Xem thêm

Nghệ nhân trồng bon sai săn tìm duối lùn ngày càng nhiều

Ngày càng nhiều nghệ nhân trồng bonsai chuyển hướng sang tìm những loại cây độc …

Ngắt bỏ những nụ hoa đã tàn. Sau đó bạn cắt bỏ toàn bộ lá trên cây.

Sản xuất giống hoa hồng: nhân giống hoa hồng bằng giâm cành(phần 4-2)

Sản xuất giống hoa hồng: nhân giống hoa hồng bằng giâm càn là phần thứ …