Trang chủ / Cách trồng rau / Giới thiệu hệ thống 2 vườn treo mini trồng đủ rau sạch quanh năm cho mỗi gia đình

Giới thiệu hệ thống 2 vườn treo mini trồng đủ rau sạch quanh năm cho mỗi gia đình

Đặc biệt, người trồng có thể đặt lịch tưới nước và chất dinh dưỡng tự động hàng ngày bằng đồng hồ hẹn giờ, tiết kiệm thời gian chăm sóc.

Hiện nay, rau sạch đang là chủ đề được nhiều người dân quan tâm. Nắm bắt xu thế đó, nhóm sinh viên ở Huế đã sáng tạo ra vườn treo tiết kiệm diện tích với giá rẻ và hiệu quả, đảm bảo phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình.

‘Khắc tinh’ của rau bẩn

Đó là dự án sản xuất, phân phối hệ thống vườn treo phục vụ cho nhu cầu trồng rau sạch và cây cảnh của nhóm sinh viên khoa Nông học (trường ĐH Nông lâm Huế) gồm Lê Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Quang Sinh và giảng viên Nguyễn Văn Quy.

Nhóm đã vượt qua 500 dự án khác để lọt vào top 6 chung kết của cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2016 và giành được giải Ba với đề tài này.

Bạn Thảo (vị trí 4 từ trái sang), bạn Hằng (vị trí 5) nhận giải tại cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2016. Ảnh: NVCC.
Bạn Thảo (vị trí 4 từ trái sang), bạn Hằng (vị trí 5) nhận giải tại cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2016. Ảnh: NVCC.

Thảo cho biết: “Rau bẩn đang là vấn nạn của xã hội, do đó nhiều gia đình ở đô thị tìm đến phương pháp trồng rau tại nhà. Tuy nhiên, có nhiều người không đủ thời gian chăm sóc và diện tích để trồng. Qua gần 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm, chúng mình đã làm ra được vườn treo trồng rau sạch chữ A có thể đặt ở nơi có diện tích hẹp, thiết kế tự động để người bận rộn có thể sử dụng”.

Ưu điểm nổi bật của đề tài là mô hình hoạt động theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Theo đó, chất dinh dưỡng và nước được cho sẵn vào bồn chứa, sau đó cây hấp thụ và sẽ hồi lưu lại trong bồn chứa, giúp tiết kiệm nhiều chất dinh dưỡng và nước, đồng thời kiểm soát được tỉ lệ chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Đặc biệt, người trồng có thể đặt lịch tưới nước và chất dinh dưỡng tự động hàng ngày bằng đồng hồ hẹn giờ, tiết kiệm thời gian chăm sóc.

Ngoài ra, mô hình còn giúp tận dụng diện tích nhỏ để tăng diện tích cây trồng; nhỏ gọn nên dễ vận chuyển; độ bền cao (khoảng 4-5 năm); vườn có hình chữ A nên tận dụng được ánh sáng từ nhiều hướng giúp cây sinh trưởng phát triển đều hơn.

Thảo cho biết thêm, để có được vườn treo hoàn thiện và hoạt động tốt, nhóm đã trải qua 3 lần cải tiến. Lần thứ nhất, đó là vườn treo thẳng đứng, tuy nhiên qua thử nghiệm, nhóm cho rằng lượng rau chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Lần thứ hai, nhóm gộp lại thành dạng vườn treo chữ A cao 2 mét nhưng lại khó thu hoạch, nhất là những cụ già. Do đó, ở lần ba nhóm hạ xuống còn 1,5 mét, qua đó tăng diện tích lên gấp 3 lần so với thẳng đứng.

Ít chăm sóc vẫn có rau sạch để ăn

Cấu tạo của vườn treo gồm khung thép; mái che nắng, mưa; bồn chứa chất dinh dưỡng và nước; hệ thống tưới hẹn giờ nhỏ giọt. Do nhỏ gọn và được tháo lắp dễ dàng nên người dân chỉ cần các thao tác đơn giản là có được vườn treo hữu ích.

Để tưới nước và cung cấp chất dinh dưỡng cho rau, người trồng chỉ cần hẹn giờ trên đồng hồ. Đến thời gian thiết lập, đồng hồ sẽ cấp điện cho bơm hoạt động để tự động bơm nước và dinh dưỡng lên phía trên vườn treo.


“Vườn treo với diện tích chỉ 1,4m2 nhưng có thể trồng được 560 gốc rau, thu hoạch được 12-13kg/vụ. Theo tính toán, mỗi hộ gia đình chỉ cần 2 vườn treo này thì có thể đảm bảo nguồn rau sạch quanh năm”, bạn Hằng cho biết.

Theo Thảo, hiện nay, trên thị trường cũng có nhiều loại vườn treo, tuy nhiên giá cả khá rất cao (7 – 25 triệu đồng), chưa phù hợp với đại đa số người dân. Còn mô hình vườn treo của nhóm sinh viên ĐH Nông lâm Huế thì có giá khoảng 3 – 3,5 triệu đồng bao gồm cả công lắp đặt và hướng dẫn kỹ thuật trồng.

Đến nay, mô hình đang được áp dụng tại 7 hộ gia đình ở thành phố Huế và đang tiến hành phân phối cho các thị trường lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Nhóm đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền cho sản phẩm của mình.

Theo thầy Nguyễn Văn Quy (giảng viên khoa Nông học), đây là mô hình có khả năng áp dụng cao, hữu ích với cuộc sống người dân. Mô hình vừa tận dụng diện tích trống để sản xuất rau sạch, phục vụ nhu cầu dùng rau của người dân, đảm bảo sức khỏe con người, vừa góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn : khampha.vn – Nhật Tuấn

Xem thêm

Nông nghiệp thông minh ‘made by’ sinh viên

Từ cuộc sống, các bạn trẻ nhận thấy nhu cầu về sử dụng thực phẩm …

Cách tự ủ phân cá, trùn, bánh dầu phộng, đậu nành

Phân hữu cơ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trồng cây tuy nhiên làm sao tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn dinh dưỡng đó lại là vấn đề khác. Dưới đây xin chia sẻ kinh nghiệm cách tự ủ phân cá, trùn, bánh dầu phộng và đậu nành .